Soạn bài Tổng kết về từ vựng (tiếp theo - Bài 11 trang 146)

soạn bài tổng kết về từ vựng (tiếp theo - Bài 11 ) của HocOn247 giúp bạn nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi trang 146 đến 147 SGK Ngữ văn 9 tập 1
(393) 1311 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn soạn bài tổng kết về từ vựng tiếp theo bài 11 của HocOn247 giúp các bạn nắm chắc các kiến thức quan trọng về từ vựng và gợi ý trả lời câu hỏi trên trang 146 và trang 147 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1.

Soạn bài Tổng kết về từ vựng (tiếp theo - Bài 11 trang 146)

Các bài trước

Cùng tham khảo...

Từ tượng thanh, từ tượng hình

Bài 1 trang 146 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Ôn lại khái niệm từ tượng hình, từ tượng thanh. (Có thể xem lại phần hướng dẫn soạn bài từ tượng hình, từ tượng thanh để nhớ lại lí thuyết)

Trả lời

Từ tượng thanh là từ mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người, gợi được âm thanh cụ thể, sinh động, có giá trị biểu cảm cao, thường dùng trong văn miêu tả và tự sự: tích tắc, lộp bộp, ôm ốm

Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ trạng thái của sự vật, gợi được hình ảnh sinh động, có giá trị biểu cảm cao, thường được dùng trong văn miêu tả và tự sự: lom khom, lác đác, lập lòe,... 

Bài 2 trang 146 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Tìm những tên loài vật là từ tượng thanh.

Trả lời

Những loài vật nào có tên gọi mô phỏng âm thanh tiếng kêu của nó: bò, bê, tắc kè, mèo, (chim) cuốc, (chim) chích choè, tu hú, đa đa, bìm bịp, ba ba,...

Bài 3 trang 146 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Xác định từ tượng thanh và giá trị sử dụng của chúng trong đoạn trích.

    Đám mây lốm đốm, xám như đuôi con sóc nối nhau bay quấn sát ngọn cây, lê thê đi mãi, bây giờ cứ loáng thoáng nhạt dần, thỉnh thoảng đứt quãng, đã lồ lộ đằng xa một bức vách trắng toát.

(Tô Hoài)

Trả lời

- Từ tượng hình trong đoạn văn trên gồm: lốm đốm, lê thê, loáng thoáng, lồ lộ.

- Những từ tượng hình này có tác dụng miêu tả hình ảnh đám mây một cách sinh động.

Các biện pháp tu từ từ vựng

Bài 1 trang 147 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Ôn lại các khái niệm: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, điệp ngữ, chơi chữ.

Trả lời

a) So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Thí dụ: “Em là búp măng non”, “Cầu bao nhiêu nhịp da sầu bấy nhiêu”...

b) Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm. Ẩn dụ còn gọi là “so sánh ngầm” vì cách thức của nó lấy mô hình “A như B" dấu đi vế "A như” mà chỉ lộ ra vế B.

Thí dụ:

Thuyền về có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

c) Nhân hoá là biện pháp biến con vật, đồ vật... bằng những nhân vật có suy nghĩ, hành động và tình cảm như con người làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật... trở nên gần gũi với con người.

Có ba kiểu nhân hoá thường gặp là:

- Dùng những từ ngữ vốn gọi người để gọi vật.

- Dùng những từ chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật.

- Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người.

d) Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp là:

- Lấy một bộ phận để gọi toàn thể.

- Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.

- Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật.

- Lấy cái cụ thể để gọi cải trừu tượng.

e) Nói giảm, nói tránh là một biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.

f) Nói quá là một biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.

g) Điệp ngữ khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ. Từ ngữ đuợc lặp lại gọi là điệp ngữ.

Điệp ngữ có nhiều dạng:

- Điệp ngữ nối tiếp.

- Điệp ngữ cách quãng.

- Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng): lặp từ ngữ cuối câu trước và đầu câu sau.

h) Chơi chữ là lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước... làm câu văn được hấp dẫn và thú vị.

Bài 2 trang 147 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ từ vựng để phân tích nét nghệ thuật độc đáo của những câu thơ sau:

a)

Thà rằng liệu một thân con,

Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây.

b)

Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

c)

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.

d)

Gác kinh viện sách đôi nơi,

Trong gang tấc lại gấp mười quan san.

e)

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Trả lời

a)

Thà rằng liệu một thân con,

Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây.

Phép ẩn dụ tu từ: từ hoa, cánh dùng để chỉ Thúy Kiều và cuộc đời của nàng, từ cây, lá dùng để chỉ gia đình của Thúy Kiều và cuộc sống của họ. Ý nói Thúy Kiều bán mình để cứu gia đình.

b)

Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Phép so sánh tu từ: so sánh tiếng đàn của Thúy Kiều với tiếng hạc, tiếng suối, tiếng gió thoảng, tiếng trời đổ mưa.

c)

Làn thu thủy nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.

Phép nói quá: Thúy Kiều có sắc đẹp đến mức: Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. Thúy Kiều không chỉ đẹp mà còn có tài: Một hai nghiêng ngóc nghiêng thành, Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai. Nhờ biện pháp nói quá, Nguyễn Du đã thể hiện đầy ấn tượng một nhân vật tài sắc vẹn toàn.

d)

Gác kinh viện sách đôi nơi,

Trong gang tấc lại gấp mười quan san.

Phép nói quá: Gác Quan Âm, nơi Thúy Kiều bị Hoạn Thư bắt ra chép kinh, rất gần với phòng đọc sách của Thúc Sinh. Tuy cùng ở trong một khu vườn nhà Hoạn Thư, gần nhau trong gang tấc nhưng giờ đây hai người cách trở gấp mười quan san. Bằng lối nói quá, Nguyễn Du cực tả sự xa cách giữa thân phận, cảnh ngộ của Thúy Kiều và Thúc Sinh.

e)

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Phép chơi chữ: tài và tai.

Bài 3 trang 147 SGK Ngữ văn 9 tập 1

Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ từ vựng để phân tích nét nghệ thuật độc đáo trong những câu

a)

Còn trời còn nước còn non,

Còn cô bán rượu anh còn say sưa

(Ca dao)

b)

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

c)

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

(Hồ Chí Minh, Cảnh khuya)

d)

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

(Hồ Chí Minh, Ngắm trăng)

e)

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

(Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)

Trả lời

a)

Còn trời còn nước còn non,

Còn cô bán rượu anh còn say sưa

(Ca dao)

Phép điệp ngữ (còn) và dùng từ đa nghĩa (say sưa). Say sưa vừa được hiểu là chàng trai vì uống nhiều rượu mà say, vừa được hiểu là chàng trai say đắm vì tình. Nhờ cách nói đó mà chàng trai đã thể hiện tình cảm của mình mạnh mẽ và kín đáo.

b)

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,

Voi uống nước, nước sông phải cạn.

(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)

Tác giả dùng phép nói quá để nói về sự lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn.

c)

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

(Hồ Chí Minh, Cảnh khuya)

Nhờ phép so sánh mà nhà thơ đã miêu tà sắc nét và sinh động âm thanh của tiếng suối và cảnh rừng dưới đêm trăng (trăng rất sáng khiến cảnh vật hiện rõ đường nét).

d)

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

(Hồ Chí Minh, Ngắm trăng)

Phép nhân hoá: nhà thơ đã nhân hoá ánh trăng, biến trăng thành người bạn tri âm tri kỉ (Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ). Nhờ phép nhân hoá mà thiên nhiên trong bài thơ trở nên sống động hơn, có hồn hơn và gắn bó với con người hơn.

e)

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

(Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)

Phép ẩn dụ tu từ: từ mặt trời trong câu thơ thứ hai chỉ em bé trên lưng mẹ. Ẩn dụ này thể hiện sự gắn bó của đứa con với người mẹ, đó là nguồn sống, nguồn nuôi dưỡng của người mẹ vào ngày mai.

--------------

// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 9 bài tổng kết về từ vựng tiếp theo - Bài 11 này sẽ giúp các bạn ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc bạn luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài tổng kết về từ vựng tiếp theo - Bài 11 một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(393) 1311 04/08/2022