Soạn bài Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự

Soạn bài Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự của HocOn247 giúp bạn nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1
(383) 1278 04/08/2022

Tài liệu soạn bài miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự được HocOn247 biên soạn giúp các em nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này qua 2 phần chính

  • Hướng dẫn trả lời câu hỏi sách giáo khoa
  • Kiến thức cơ bản

Cùng tham khảo...

Soạn bài Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự

I. Gợi ý trả lời câu hỏi SGK

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi trang 117 sách giáo khoa ngữ văn 9 tập 1:

Tìm hiểu yếu tố miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự

1 - Trang 117 SGK

Đọc lại đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, tr. 93 - 94 và thực hiện các yêu cầu sau:

a. Tìm những câu thơ tả cảnh và những câu thơ miêu tả tâm trạng của Thuý Kiều.

b. Những câu thơ tả cảnh có mối quan hệ như thế nào với việc thế hiện nội tâm nhân vật?

c. Miêu tả nội tâm có tác dụng như thế nào đối với việc khắc hoạ nhân vật trong văn bản tự sự?

Trả lời

a. Khung cảnh thiên nhiên bên ngoài được miêu tả trực tiếp hơn ở 4 câu thơ đầu:

Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

- Miêu tả tâm trạng khi nhớ Kim Trọng, nhớ cha mẹ:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

Xót người tựa của hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.

Sân lai cách mấy nắng mưa, 
Có khi gốc tứ đã vừa người ôm.

b. Ý nghĩa: Những câu thơ tả cảnh góp phần thể hiện nội tâm nhân vật, người buồn cảnh cũng buồn, người cô đơn cảnh cũng cô đơn (Bẽ bàng mây sớm đèn khuya), người lo âu sợ hãi cảnh cũng đầy sóng gió. Thực chất những câu thơ tả cảnh nhưng cũng chính là để tả tình, cái tình buồn bã, cô đơn, thân phận như hoa trôi nước chảy, không biết về đâu trước một tương lai mờ mịt.

c. 

Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự có tác dụng khắc họa sinh động, chân thật hình tượng nhân vật. Từ đó thể hiện được chiều sau những suy tưởng của nhân vật.

2 - Trang 117 SGK

Đọc đoạn văn sau và nhận xét cách miêu tả nội tâm nhân vật của tác giả.

Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít.

(Nam Cao, Lão Hạc)

Trả lời

Tác giải miêu tả nội tâm nhân vật bằng cách miêu tả hành động, cử chỉ của nhân vật. Qua cách miêu tả đó ta thấy được tâm trạng đau đớn, dằn vặt của lão Hạc khi phải bán cậu Vàng.

Luyện tập

1 - Trang 117 SGK

Thuật là đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều bằng văn xuôi

Gợi ý

Chú ý kết hợp kể chuyện (Mã Giám Sinh và Tú Bà mặc cả mua bán Kiều) với miêu tả ngoại hình Mã Giám Sinh, đặc biệt miêu tả lại tâm trạng đau đớn, ê chề của Kiều. Người kể có thể kể ở ngôi thứ nhất hoặc ở ngôi thứ ba.

Bài mẫu

Gần đó, có một mụ mối muốn ngỏ ý có viễn khách đến vấn danh Thúy Kiều. Hỏi tên rằng Mã Giám Sinh, tức là học sinh trường Quốc Tử Giám , quê ở huyện Lâm Thanh. Tuổi đã ngoài 40 nhưng tên họ Mã bề ngoài trông chải chuốt, áo quần bảnh bao, mày râu nhẵn nhụi, tưởng rằng làm vẻ thư sinh nhưng thực chất lại tố cáo sự lố bịch của mình. Mã Giám Sinh đi hỏi vợ còn dắt theo một bọn đầy tớ lao xao, ồn ào. Lúc bước vào lầu, mụ mối chưa kịp ngỏ lời mời thì hắn đã nhảy bộ lên ghế, ngồi một cách sỗ sàng như một kẻ vô học. Mã thúc giục Kiều ra xem mặt. Nàng là con nhà gia giáo, nay lâm vào bước đường này, Kiều đau đớn, xót xa cho số kiếp của mình, cứ mỗi bước đi là hai hàng lệ rơi của sự tủi nhục và xấu hổ. Kiều càng thấy tủi nhục hơn trước những thái độ cử chỉ vô phép của tên họ Mã. Hắn ép nàng vén tóc, bắt tay, thử tài gảy đàn, ngâm thơ. Kiều lúc này trông ủ rũ, buồn bã nhưng vẫn là trang tuyệt sắc giai nhân làm say đắm lòng người. Sau khi 'đắn đo cân sắc, cân tài', Mã Giám Sinh lộ rõ bản chất con buôn chính hiệu, hắn ngả giá mua Kiều như một món hàng với giá chỉ ngoài 400. Sau đó, nàng Kiều thực sự bước ra cuộc đời và gặp phải những biến cố xót xa, đau đớn ...

2 - Trang 117 SGK

Hãy đóng vai nàng Kiều viết đoạn văn kể lại việc báo ân, báo oán, trong đó bộc lộ trực tiếp tâm trạng của Kiều lúc gặp lại Hoạn Thư.

Gợi ý

- Lựa chọn ngôi kể: để nhận được vai một cách sâu sắc, tự do và trực tiếp hơn trong diễn tả nội tâm, là “tôi” - Kiều, chứ không phải là kể từ ngôi thứ ba “Kiều” - “nàng”.

- Kết hợp kể chuyện phiên toà báo ân báo oán với việc miêu tả chân dụng nhân vật qua đặc điểm ngoại hình, hành động, cử chỉ, ngôn ngữ, đặc biệt chú ý diễn tả những phản ứng trong tâm trạng của Kiều trước từng nhân vật, từng sự việc.

- Tập trung làm nổi bật cuộc đối thoại giữa Kiều với Hoạn Thư, nhấn mạnh những suy nghĩ, diễn biến tình cảm của Kiều trước kẻ đã từng vùi dập mình và những suy nghĩ dẫn tới hành động tha bổng.

Bài mẫu

Người đầu tiên mà tôi cho mời đến để báo ân lại chính là chàng Thúc Sinh. Tôi nói với chàng Thúc rằng: "Khi tôi gặp hoạn nạn ở lầu xanh, chàng là người có tấm lòng hào hiệp đã ra tay cứu giúp, nghĩa ấy làm sao tôi quên được. Dù chúng ta đã chẳng nên vợ nên chồng như chàng đã từng mong ước, nhưng mà suốt đời tôi vẫn nhớ ơn chàng, nay có món quà nhỏ gửi chàng để tỏ chút lòng thành. Còn vợ chàng thì tai quái quá phen này phải trả giá thôi".

Khi lính áp giải Hoạn Thư tới, tôi cố lấy giọng ngọt ngào hỏi: "Ơ kìa, sao tiểu thư lại ra nông nỗi này? Phải công nhận rằng từ xưa đến nay đàn bà ở đời mà sâu sắc như tiểu thư là hiếm lắm! Gieo gió ắt phải gặt bão, thưa tiểu thư". Thoạt đầu, thấy tôi không đập bàn thét lác gì mà tỏ ra mềm mỏng, ngọt nhạt Hoạn Thư cũng giật mình sợ hãi bởi Hoạn Thư thừa biết những người đàn bà "tình cảm" như thế mới thật "đáng sợ" ! Nhưng Hoạn Thư nhanh chóng trấn tĩnh và thưa gửi rành rọt, có lý, có tình. Trước thái độ của Hoạn Thư, tôi thấy bối rối và bỗng thấy băn khoăn khó xử. Lúc đầu, tôi có ý định trừng phạt Hoạn Thư thật nặng, vì thế tôi mới dựng nên cảnh gươm giáo sáng lòa, để làm Hoạn Thư khiếp sợ. Nhưng bây giờ biết xử ra sao đây? Nếu ta cứ cố tình giết Hoạn Thư thì hoá ra ta chỉ là một mụ đàn bà nhỏ nhen! Còn nếu ta tha Hoạn Thư thì sao nhỉ? Có lẽ sẽ chẳng bao giờ ta còn cơ hội trả thù nữa? Nhưng người đời đã dạy: "Lấy oán trả oán thì đời đời thù oán, lấy ân trả oán thì cởi bỏ oán thù đó sao?" Ngẫm nghĩ hồi lâu, tôi quyết định hành xử theo lời dạy trên và bèn nói với Hoạn Thư: "Người tự biết mình có lỗi, có nghĩa là người không có lỗi! Vì vậy ta quyết định tha bổng cho tiểu thư". Dứt lời tôi ra lệnh : "Lính đâu! Hãy đưa tiễn tiểu thư về tận nhà cho ta!". Hoạn Thư cúi đầu chào từ biệt, nghẹn ngào xúc động nói nhỏ với tôi : " Mong nàng hãy bảo trọng ...". Tôi khẽ gật đầu và cũng nói nhỏ với Hoạn Thư " Chúc tiểu thư bình an ..."

3 - Trang 117 SGK

Ghi lại tâm trạng của em sau khi làm một việc có lỗi với bạn

Gợi ý

Có thể ghi lại diễn biến tâm trạng của mình theo một số định hướng:

- Nhớ lại suy nghĩ của mình trước và trong lúc gây ra việc không tốt.

- Kể lại trạng thái tình cảm của mình sau khi gay ra việc không tốt: Buồn, ân hận, tự trách mình...

Đoạn văn tham khảo

Tôi và cô bạn bàn trên vốn đã không ưa nhau, lại còn hay cãi nhau chỉ vì vài việc vụn vặt. Một lần, cô bạn đó mách với cô chủ nhiệm lớp tôi vì tôi trốn tiết Anh. Tôi tức lắm vì tính con nhóc đó thật thích mách lẻo. Tôi đã bảo nó ở lại cuối giờ và mắng nó một trận. Nhưng nó không xin lỗi mà còn bày ra vẻ mặt thách thức, tôi tức quá và quyết định phải làm gì đó để trả thù bõ tức. Hôm sau, nó đến lớp, khoe hộp bút mới được mua. Tôi nảy ngay ý định giấu hộp bút đó để trêu tức nó. Tiết thể dục, tôi vội giấu hôp bút của nó. Hết tiết, nó lên lớp không thấy đâu, nó tìm và khóc um lên. Nhìn nó khóc, tôi thấy mừng thầm, cục tức hôm qua tan biến hẳn. nhưng nhìn nó khóc đến đáng thương, tôi lại chột dạ. Tôi thầm nghĩ liệu mình có làm gì sai? Tôi dằn vặt hết cả buổi vì thấy nó ủ rũ buồn bã. Về nhà tôi cứ suy nghĩ về việc trên lớp. Tôi bống thấy mình thật quá đáng, tôi thấy ân hận và tự trách bản thân. Tôi quyết định hôm sau trả lại cho cô bạn và xin lỗi. Hôm sau tôi trả cô bạn chiếc hộp bút cùng cây kẹo mút để chuộc lỗi. Cô bạn cũng xin lỗi tôi vì lần trước mách cô, chúng tôi làm hoà.

Soạn bài miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự ngắn nhất dưới đây cũng là một bài soạn mẫu mà Đọc tài liệu biên tập để giúp các em tối ưu bài soạn của mình được nhanh gọn.

II. Soạn bài miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự ngắn nhất

I. Tìm hiểu yếu tố miêu tả trong văn bản tự sự

Bài 1 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1

a, câu thơ tả cảnh: “Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân .... Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”, “Buồn trông cửa bể chiều hôm ... Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Câu thơ tả tâm trạng “bên trời góc bể bơ vơ ... Có khi gốc tử đã vừa người ôm”

b, Những câu thơ tả cảnh có tác dụng trong việc khắc họa nội tâm nhân vật. Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ. Tả cảnh để ngụ tình.

c, Miêu tả nội tâm có tác dụng làm cho những suy nghĩ, tình cảm của nhân vật được hiện lên, nhờ đó mà người đọc có thể hiểu được diễn biến tâm trạng của nhân vật. Từ đó làm cho văn bản trở nên giàu tính trữ tình, giàu cảm xúc, chạm đến tâm tư của người đọc.

Bài 2 trang 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1

- Miêu tả khuôn mặt: co rúm, những vết nhăn xô lại, ép cho nc mắt chảy ra , đầu ngoẹo, miệng mếu, bật khóc.

- Tâm trạng đau đớn tột cùng khi bán cậu Vàng ==> Lão Hạc đã rất ân hận, dằn vặt.

II. Luyện tập

Bài 1 (tr 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

Mụ mối đưa người viễn khách vào vấn danh Thúy Kiều, đó là Mã Giám Sinh, quê huyện Lâm Thanh. Tuổi đã ngoài 40 mà ăn mặc chải chuốt, lố bịch. Hành động thì thô lỗ, ngồi tót sỗ sàng ở ghế trên. Kiều là cô gái khuê các, lâm vào cảnh bán thân, nàng đau xót, tủi hổ, ngượng ngùng. Mỗi bước chân nối liền dòng lệ tuôn rơi. Gương mặt ủ rũ, buồn bã nét buồn như cúc điệu gầy như mai. Kiều phải đánh đàn, làm thơ chiều lòng tên họ Mã. Nhưng khi trả giá, hắn mới lộ rõ bản chất con buôn khi đắn đo, cò kè trả giá cho một trang tuyệt sắc.

Bài 2 (tr 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

Cuối cùng thì ngày ta mong chờ cũng đã đến, ngày ta được báo ân trả oán với những người đã đi qua những ngày tháng dâu bể của cuộc đời ta. Người đầu tiên mà ta mời tới là chàng Thúc Sinh. Ta nhắc lại với chàng những chuyện đã qua ở Lâm Tri và gửi chàng lụa là, gấm vóc đền ơn cho chàng đã đưa ta ra khỏi chốn lầu xanh ô nhục. Và khi Hoạn Thư xuất hiện, bao cảm xúc đã trào dâng trong lòng ta. Đó là sự hả hê khi được nhìn thấy kẻ chà đạp mình giờ đây phải khom lưng quỳ gối, sợ hãi khẩn cầu. Nhưng rồi Hoạn Thư cũng đã nhanh chóng lấy được bình tĩnh và tự bào chữa cho mình bằng những lí lẽ sắc sảo. Quả đúng là một người đàn bà hiếm có trong cuộc đời. Trước sự nhũn nhặn, ân hận chân thành của Hoạn Thư, ta cũng thấy mủi lòng và quyết định tha bổng cho bà ta.

Bài 3 (tr 117 SGK Ngữ văn 9 tập 1)

Hôm nay, mình đã thật hèn nhát, đáng khinh. Chính mình là người đầu têu ra trò mang con chuột chết vào lớp để bỏ vào cặp sách của Giang. Mình nghĩ là chỉ đùa một chút thôi. Giang vốn là một lớp trưởng nghiêm khắc, cứng rắn đến lạnh lùng trước những lần vi phạm nội quy của bọn con trai nghịch ngợm trong lớp. Mình nghĩ đơn giản là trêu nó một chút để nó chừa thói hay dùng “quyền lực” của lớp trưởng để làm cho mình bị phạt. Ai ngờ nó lại sợ một con chuột chết đến thế! Nhìn nó nước mắt vòng quanh, mặt mày tái mét khi phát hiện ra con chuột trong cặp mà mình cũng thấy ân hận vì đã đùa quá đáng. Mình đã không đủ can đảm để nhận trách nhiệm... Mình phải làm thế nào bây giờ?.

III. Kiến thức cơ bản

Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự là tái hiện những ý nghĩ, cảm xúc và diễn biến tâm trạng của nhân vật. Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật sinh động.

Người ta có thể miêu tả nội tâm trực tiếp bằng cách diễn tả những ý nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật, cũng có thể miêu tả nội tâm gián tiếp bằng cách miêu tả cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục,... của nhân vật.

----------------

// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 9 bài miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự này sẽ giúp các bạn ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc bạn luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(383) 1278 04/08/2022