Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của HocOn247 giúp bạn nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi trang 154 - 155 SGK Ngữ văn 9 tập 1
(382) 1273 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm) do HocOn247 biên soạn sẽ giúp các bạn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này và trả lời tốt các câu hỏi đọc hiểu bài trang 154 đến trang 155 SGK Ngữ văn 9 tập 1.

Soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Cùng tham khảo...

Kiến thức cơ bản

Tác giả

- Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 trong một gia đình trí thức cách mạng, quê ở làng An Cựu, xã Thuỷ An, thành phố Huế. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, Nguyễn Khoa Điềm về quê hương miền Nam tham gia chiến đấu. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc.

- Nguyễn Khoa Điềm là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam khoá V, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khoá IX, Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hoá Trung ương.

Tác phẩm

- Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ra đời giữa những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền Nam, Bắc. Thời kì này, cuộc sống của cán bộ, nhân dân ta trên các chiến khu (phần lớn là những miền rừng núi) rất gian nan, thiếu thốn. Cán bộ, nhân dân ta vừa bám rẫy, bán đất tăng gia sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ.

Xem thêm những bài phân tích Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ đặc sắc

Hướng dẫn soạn bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Hướng dẫn trả lời câu hỏi trang 154 và 155 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1:

Đọc - hiểu văn bản

1 - Trang 154 SGK

Bài thơ là lời hát ru những em bé dân tộc Tà-ôi "lớn trên lưng mẹ" ở vùng chiến khu Trị - Thiên khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra quyết liệt. Lời hát ru có ba khúc, mỗi khúc có hai khổ và đều mở đầu bằng hai câu: "Em cu tai... đừng rời lưng mẹ" rồi kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ: "Ngủ ngoan a-kay ơi..." (bốn câu). Từng lời ru trực tiếp của người mẹ được ngắt nhịp đều đặn ở giữa dòng thơ. Theo em, cách lặp đi lặp lại, cách ngắt nhịp như thế có tác dụng tạo nhịp điệu như thế nào cho lời ru, có liên quan gì đến nội dung tình cảm của bài thơ?

Trả lời:

Lời hát ru có ba khúc, mỗi khúc có hai khổ và đều mở đầu bằng hai câu: "Em cu tai... đừng rời lưng mẹ" rồi kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ: "Ngủ ngoan A- kay ơi... "(bốn câu). Từng lời ru trực tiếp của người mẹ được ngắt nhịp đều đặn ở giữa dòng thơ.

- Đoạn thứ nhất ru khi giã gạo.

- Đoạn thứ hai ru khi tỉa bắp trên núi Ka-lui.

- Đoạn thứ ba ru em khi họ đang chuyển lán.

- Cách lặp đi lặp lại, cách ngắt nhịp giữa dòng thơ (Ngủ ngoan A-kay ơi!) tạo nên âm điệu dìu dặt, vấn vương của lời ru. Giọng điệu trữ tình đã thể hiện một cách đặc sắc tình cảm thiết tha, trìu mến của người mẹ. Điệu hát ru vừa có sự lặp lại, vừa phát triển qua ba giai đoạn của bài thơ.

2 - Trang 154 SGK

Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ.

Trả lời

Hình ảnh người mẹ được gắn với hoàn cảnh, công việc cụ thể qua từng đoạn thơ:

- Mẹ giã gạo góp phần nuôi bộ đội kháng chiến:

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối.

- Mẹ tần tảo, tự nguyện làm công việc lao động sản xuất của người dân ở chiến khu: "Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-Lưi".

Sự chịu đựng gian khổ của những người mẹ giữa rừng núi mênh mông, heo hút được nhà thơ thể hiện một phần qua hình ảnh: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ"

- "Mẹ đang chuyển lán, mẹ đạp rừng", "Mẹ địu em đi để giành trận cuối": Mẹ cùng các anh trai, chị gái tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ, di chuyển lực lượng để kháng chiến lâu dài.

Từ ba đoạn thơ, lần lượt hiện lên những công việc cùng tấm lòng của người mẹ trên chiến khu kháng chiến gian khổ. Người mẹ bền bỉ, quyết tâm trong công việc.

- Ở đoạn ba, giặc Mĩ đến đánh đuổi chúng ta phải rời suối, rời nương. Mẹ phải chuyển lán, đạp rừng, tham gia đánh giặc. Mẹ đến chiến trường, em vẫn trên lưng.

Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường

Từ trong đói khổ, em vào Trường Sơn.

Trong khói lửa chiến tranh, mẹ mong ước:

Mai sau con lớn làm người tự do...

Ba đoạn thơ lần lượt thể hiện công việc cùng tấm lòng của người mẹ ở trong chiến khu gian khổ. Người mẹ ấy thật có quyết tâm bền bỉ trong lao động, trong kháng chiến, người mẹ còn thắm thiết yêu con và cũng nặng tình thương buôn làng quê hương, bộ đội và khao khát mong cho đất nước độc lập, tự do.

Xem thêm bài văn phân tích hình ảnh người mẹ trong bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

3 -  Trang 154 SGK

Em hiểu như thế nào về hai câu thơ: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi - Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng"? Phân tích tình cảm của người mẹ đối với con ở câu thơ thứ hai.

Trả lời:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.

Hình ảnh Mặt trời ở câu thơ sau đã chuyển nghĩa, được tượng trưng hoá. Con là mặt trời của mẹ, con là nguồn hạnh phúc ấm áp vừa gần gũi vừa thiêng liêng của đời mẹ. Chính con đã góp phần sưởi ấm lòng tin yêu, ý chí của mẹ trong cuộc sống. Mặt trời con cứ trẻ trung, cứ ngày một rực rỡ trên thế gian này.

4 -  Trang 154 SGK

Qua các khúc ru, em cảm nhận tình cảm của người mẹ đối với con như thế nào ? Nhận xét về mối liên hệ giữa lời ru trực tiếp của người mẹ với hoàn cảnh, công việc mà mẹ đang làm ở từng đoạn thơ, về sự phát triển của tình cảm và ước vọng của người mẹ qua ba khúc ru.

Trả lời

Ở đoạn 1, đoạn 2, tình thương con của người mẹ gắn với tình thương bộ đội, tình thương buôn làng, quê hương gian khổ. Bởi vậy, mẹ ước mong có nhiều hạt gạo trắng ngần, hạt bắp lên đều, ước mong con mau chóng lớn khôn để trở thành chàng trai cường tráng, mạnh mẽ trong lao động sản xuất.

Ở đoạn 3, tình thương con của người mẹ lại gắn với tình yêu đất nước đang anh dũng kháng chiến. Bởi vậy, mẹ mong ước con trở thành người lính chiến đấu vì tình yêu thương con đã hoà quyện với ước vọng của người mẹ dân tộc Tà-ôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ đó phần nào hiểu được lòng yêu quê hương, đất nước và khát vọng tự do của nhân dân ta trong thời kì lịch sử này.

5 -  Trang 155 SGK

Em thấy tình yêu thương con của người mẹ gắn với những tình cảm gì? Em hiểu thế nào về những ước mong, ý chí của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ được thể hiện trong các khúc ru ?

Trả lời

Tình yêu con của người mẹ gắn liền với tình yêu bộ đội, yêu buôn làng gian khổ, yêu đất nước. Tình cảm riêng chung đã hòa làm một. Những mong ước của mẹ cũng là mong ước cho con, cho làng, cho đất nước, mong con lớn giã gạo nuôi bộ đội, phát rẫy nuôi làng và cầm súng ra trận, cả gia đình ra trận, cả đất nước ra trận. Vì độc lập tự do của dân tộc. Mẹ là mẹ chiến sĩ, mẹ là chiến sĩ, mẹ là người mẹ Việt Nam anh hùng.

Tham khảo thêm những bài văn hay về tình mẫu tử trong khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Luyện tập

Yêu cầu

Nhận xét về ý nghĩa của yếu tố miêu tả trong bài thơ đối với việc thể hiện cuộc sống của người dân ở chiến khu Trị - Thiên thời chống Mĩ.

Gợi ý trả lời

Yếu tố miêu tả trong bài thơ khiến bức tranh đời sống của người dân ở chiến khu Trị - Thiên thời chống Mĩ trở nên chân thực hơn:

➜ Họ hăng say lao động, sản xuất để phục vụ cho cuộc chiến đấu, vượt qua nhưng gian khổ, vất vả: "mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội", "mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi", "mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi", "lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ"

➜ Họ góp phần vào cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, họ cũng cầm súng chiến đấu: "mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng", "anh trai cầm súng, chị gái cầm chông", "mẹ địu em đi để giành trận cuối".

Ôn tập kiến thức

Các câu hỏi về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ thường gặp:

Câu 1. Bài khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ viết về những em bé của dân tộc nào?

Trả lời

: Bài khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ viết về những em bé của dân tộc Tà ôi

Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Trả lời: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là Người mẹ

Câu 3. Nhận định nói đầy đủ hoàn cảnh, công việc của người mẹ được nói đến trong bài thơ?

Trả lời: Nhận định nói lên đầy đủ hoàn cảnh, công việc của người mẹ trong bài thơ là

  • Nói lên sự to lớn của ngọn núi Ka-lưi
  • Nói lên vóc dáng nhỏ bé của người mẹ
  • Nói lên sự gian khổ của người mẹ

Câu 4. Tìm biện pháp nghệ thuật sử dụng trong câu thơ “Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”?

Trả lời: Biện pháp nghệ thuật sử dụng trong câu thơ là Ẩn dụ

Câu 5. Thời điểm mà bài thơ ra đời thì việc “mơ thấy Bác Hồ” hàm ý điều gì?

Trả lời:  Thời điểm mà bài thơ ra đời thì việc “mơ thấy Bác Hồ” hàm ý mơ kháng chiến thắng lợi, nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp.

Ghi nhớ bài khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Trong gian nan, vất vả của cuộc sống ở chiến khu, người mẹ càng dành cho con tình yêu thương thắm thiết, càng ước mong con mau lớn khôn, khoẻ mạnh, trở thành công dân của một đất nước tự do. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu thương con gắn với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ miền tây Thừa Thiên qua Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ mang giọng điệu ngọt ngào, trìu mến.

Ghi nhớ bài khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

// Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 9 bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ này sẽ giúp các bạn ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc bạn luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài  Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(382) 1273 04/08/2022