Bài 4 trang 40 SGK Ngữ văn 8 tập 2
HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 4 trang 40 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập Hai phần soạn bài Đi đường chi tiết nhất.
Đề bài: Phân tích câu 2 và câu 4 để làm rõ nỗi gian lao của người đi đường núi và niềm vui sướng của người đứng trên cao ngắm cảnh. Hai câu thơ này, ngoài ý nghĩa miêu tả, còn ngụ ý gì nữa không?
Trả lời bài 4 trang 40 SGK văn 8 tập 2
Cách trả lời 1:
Câu thơ thứ hai và câu thơ thứ tư thể hiện được nỗi gian lao của người đi đường núi và niềm vui sướng của người đứng trên cao ngắm cảnh. Hai câu này ngoài nghĩa miêu tả còn có ý khác nữa, đó là khuyên con người ta: con đường cách mạng dù có gian lao bao nhiêu nhưng nếu hết sức cố gắng để vượt qua sẽ thu được kết quả vô cùng to lớn.
– Câu thứ 2: Nỗi gian nan của người đi đường được thể hiện bằng hình ảnh chặng đường phải vượt hết lớp núi này đến lớp núi khác. Chữ “trùng san” được điệp lại hai lần nhấn mạnh sự gian khổ, cực nhọc của người đi đường.
– Câu thứ tư: Hình ảnh người đi đường sau muôn vàn gian khó đã tới được đỉnh cao. Từ trên đỉnh cao ấy người ta có thể quan sát được mọi thứ, kể cả những chặng đường, những khó khăn thử thách mình đã vượt qua, như một phần thưởng xứng đáng.
Đọc thêm văn mẫu: Top 5+ bài văn phân tích hay nhất bài thơ Đi đường
Cách trả lời 2:
- Câu thơ thứ hai miêu tả cái khó khăn vất vả triền miên của người đi bộ đường núi. Nghệ thuật điệp ngữ trùng san (lớp núi) và chữ hữu (lại) đã góp phần làm nổi bật, nhấn mạnh và làm sâu sắc ý thơ. Câu thơ dường như thấp thoáng có bóng dáng nhân vật trữ tình - người tù cách mạng Hồ Chí Minh. Người đã từng trải qua bao lần chuyển lao bằng đường núi đầy khổ ải. Từ sự thấm thía về nỗi gian lao triền miên của người đi đường núi, Người suy ngẫm về con đường cách mạng, con đường đời.
- Câu thơ cuối: "Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non".
Con người từ tư thế bị đày đọa tưởng như không thể nào vượt qua nổi bỗng trở thành một du khách ung dung say đắm cảnh non sông. Câu thơ cuối diễn tả niềm hạnh phúc bất ngờ nhưng xứng đáng đến với con người đã kì công trèo qua bao dãy núi vô cùng gian khổ.
Cách trả lời 3:
Trùng san chi ngoại hựu trùng san.
(Núi cao rồi lại núi cao trập trùng).
Câu thơ thứ hai khắc hoạ cái khó khăn chồng chất của người đi đường. Các dãy núi nối tiếp cứ như bất tận, triền miên. Nhân vật trữ tình như đang cảm nhận cái khó khăn của đường đi nói chung và của con đường cách mạng nói riêng, từ đó suy ngẫm về tinh thần của người chiến sĩ trước gian nan.
Đến câu thơ cuối:
Vạn lí dư đồ cố miện gian.
(Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non).
Con người từ tư thế bị đày đoạ tưởng như không thể nào vượt qua nổi bỗng trở thành một du khách ung dung say ngắm cảnh non sông. Câu thơ cuối diễn tả niềm hạnh phúc bất ngờ nhưng xứng đáng đến với con người đã kì công trèo qua bao dãy núi vô cùng gian khổ.
Ngoài nghĩa miêu tả, câu thơ thứ hai và câu thơ cuối còn mang nghĩa khác. Những con đường núi gian nan hiểm trở kia gợi ra hình ảnh con đường cách mạng đầy gian nan thử thách, đầy những hi sinh. Và niềm vui ở câu thơ cuối đâu chỉ là niềm vui của con người đã vượt qua bao dãy núi. Nó còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của người chiến sĩ cách mạng khi cách mạng thành công sau bao gian khó, hi sinh.
Bài soạn tiếp theo: Hướng dẫn soạn bài Chiếu dời đô
Bài 4 trang 40 SGK Ngữ văn 8 tập 2 trên đây được HocOn247 hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu, dễ hiểu nhất khi soạn bài Đi đường.
Chúc các em học tốt !