Soạn bài Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

Hướng dẫn soạn bài Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, gợi ý trả lời câu hỏi soạn bài soạn bài Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn trang 205 SGK Ngữ Văn lớp 11 tập 1.
(372) 1241 04/08/2022

Thông qua bài soạn Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, các em sẽ được củng cố lại những hiểu biết về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, nắm được quy trình tiến hành một hoạt động phỏng vấn về một chủ đề trong đời sống hàng ngày của học sinh.

A- Nội dung kiến thức cần ghi nhớ về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

1. Khái niệm

- Phỏng vấn là cuộc trò chuyện được thực hiện nhằm mục đích rõ ràng là để thu thập thông tin về một chủ đề quan trọng có ý nghĩa.

- Yêu cầu:

+ Tôn trọng hoạt động phỏng vấn và trả lời phỏng vấn tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền được trình bày ý kiến của công chúng; và vì thế là một biểu hiện của tinh thần dân chủ trong xã hội văn minh.

+ Trong quá trình phỏng vấn, cả người hỏi và người trả lời đều phải giữ thái độ lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau.

2. Cách thức tiến hành phỏng vấn

- Chuẩn bị phỏng vấn: Trước khi phỏng vấn, cần xác định rõ tất cả các yếu tố: nội dung, mục đích, đối tượng, phương pháp phỏng vấn.

+ Hệ thống câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng; phù hợp với đối tượng và mục đích phỏng vấn; làm rõ chủ đề, liên kết với nhau và được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

+ Mặt khác, để có thu nhập được nhiều nhất những thông tin mong muốn, cần tránh những câu hỏi mà người trả lời chỉ cần đáp: không /có, đúng /sai.

- Tiến hành phỏng vấn:

+ Không phải lúc nào người phỏng vấn cũng chỉ được nêu ra những câu hỏi đã được chuẩn bị sẵn. Ngược lại, trong quá trình hỏi - đáp, người phỏng vấn còn cần lắng nghe người đáp để đưa ra thêm những câu hỏi nhằm:

  • Làm cho câu chuyện liên tục, không rời rạc, gián đoạn
  • Khéo léo lái người trả lời phỏng vấn trở lại chủ đề phỏng vấn nếu thấy có dấu hiệu "lạc đề"
  • Gợi mở, khiến người trả lời phỏng vấn có thể nêu ý kiến được rõ ràng hơn.

+ Cuộc phỏng vấn nên được diễn ra trong không khí chân tình, tự nhiên. Người phỏng vấn không chỉ cần lịch thiệp, nhã nhặn, biết lắng nghe, đồng cảm với người cùng nói chuyện mà còn cần tỏ ra tôn trọng ý kiến của họ bằng cách chăm chú ghi chép và cố tránh chạm những chỗ có thể làm cho người phỏng vấn không vui.

+ Trước khi kết thúc, người phỏng vấn không nên quên cảm ơn người trả lời phỏng vấn đã dành công sức, thời gian cho buổi trò chuyện.

- Đánh giá, trình bày kết quả phỏng vấn:

+ Kết quả phỏng vấn phải được trình bày trung thực (người phỏng vấn không được tự ý sửa chữa những câu trả lời phỏng vấn).

+ Bài phỏng vấn phải được trình bày rõ ràng, trong sáng và hấp dẫn (có thể thêm những lời miêu tả hoặc kể chuyện ngắn gọn, nếu cần).

>> Chi tiết xem lại bài soạn Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn đã học ở tuần 15.

B- Soạn bài Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

Câu 1 trang 205 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Giả sử anh (chị) phải tiến hành một cuộc phỏng vấn hoặc trả lời phỏng vấn về việc giảng dạy và học tập môn Ngữ văn ở trường THPT.

Gợi ý trả lời:

Lần lượt thực hiện các bước sau đây:

a) Khâu chuẩn bị:

- Xác định chủ đề của cuộc phỏng vấn. Có thể chọn một trong các chủ đề sau:

+ Chương trình sách giáo khoa mới hiện nay.

+ Việc giảng dạy của thầy cô giáo.

+ Việc học tập và thái độ học tập của học sinh.

+ Vấn đề kiểm tra, thi cử - những bất hợp lí và đề xuất nguyện vọng.

- Xác định mục đích cuộc phỏng vấn:

+ Cuộc phỏng vấn được tiến hành có thể chỉ để nắm được thực trạng của việc dạy và học Ngữ văn ở trường THPT.

+ Cũng có thể còn để tìm hiểu và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn học đó.

- Xác định đối tượng trả lời phỏng vấn:

+ Phỏng vấn một người hay nhiều người (thầy cô giáo, học sinh hay cả hai đối tượng).

+ Phỏng vấn những người cùng trình độ, lứa tuổi, hoàn cảnh sống,... hay khác lứa tuổi, trình độ, hoàn cảnh sống,...

- Xác định hệ thống câu hỏi với những yêu cầu:

+ Câu hỏi cần bám sát chủ đề.

+ Các câu hỏi phải được sắp xếp thành một hệ thống hợp lí, khoa học.

+ Các câu hỏi phải giúp người phỏng vấn thu thập và khai thác được nhiều thông tin cần biết.

+ Các câu hỏi dẫn dắt phải hợp lí, tế nhị.

+ Đảm bảo không có những câu hỏi lạc đề, câu hỏi mà người trả lời có thể trả lời quá ngắn gọn theo kiểu có - không,...

b) Tiến hành phỏng vấn:

- Người đóng vai trò phỏng vấn tiến hành việc phỏng vấn trên cơ sở hệ thống câu hỏi đã chuẩn bị sẵn. Trong quá trình phỏng vấn cần chú ý:

+ Có những lời dẫn dắt vào đề ngắn gọn, hợp lí, tạo không khí nhẹ nhàng, thân thiết cho cuộc phỏng vấn.

+ Biết cách ứng xử với những trường hợp cuộc phỏng vấn xa rời trọng tâm.

+ Nêu câu hỏi ứng đối trực tiếp linh hoạt.

+ Cảm ơn người trả lời phỏng vấn khi cuộc phỏng vấn kết thúc.

-  Người trả lời phỏng vấn tiến hành trả lời phỏng vấn trên cơ sở những câu hỏi mà người phỏng vấn đã chuẩn bị.

* Trong trả lời phỏng vấn cần chú ý:

+ Cung cấp đầy đủ thông tin về chủ đề phỏng vấn.

+ Có thái độ thẳng thắn, chân thực nhưng vẫn khiêm tốn, nhã nhặn, tôn trọng và tỏ rõ thiện chí hợp tác.

+ Nên có những câu trả lời thú vị, sâu sắc, dí dỏm, thông minh mà không ra khỏi đề tài của cuộc phỏng vấn nhằm tạo không khí gần gũi cho cuộc phỏng vấn.

Câu 2 trang 206 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Biên tập và chỉnh sửa lại bản phỏng vấn ở câu 1 theo đúng các yêu cầu của một bài phỏng vấn đã học.

Trả lời:

Học sinh tự họp nhóm lại và thảo luận dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Câu 3 trang 206 SGK Ngữ văn 11 tập 1

Tiến hành phỏng vấn và trả lời phỏng vấn về đề tài: Hỏi chuyện một người bạn đến từ một vùng quê (hoặc từ một quốc gia) khác.

Trả lời:

Với đề tài này, cách thức tiến hành cũng tương tự như cách làm đã thực hiện trong cuộc phỏng vấn nêu trên. Điểm khác biệt tất nhiên ở đối tượng, đề tài và hệ thống câu hỏi mà người phỏng vấn đặt ra.

Có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

- Về đề tài, có thể chọn một trong các đề tài sau:

+ Tổng hợp tất cả những vấn đề xoay quanh đối tượng phỏng vấn như: quê hương, gia đình, sở thích, lí do đến thăm (làng quê, thành phố hoặc quốc gia) mình, những ấn tượng sâu đậm nhất của người bạn đó về con người, vùng quê, đất nước,... của mình.

+ Có thể chia nhỏ các đề tài trên, ví như chỉ hỏi về học tập, về những ấn tượng đặc sắc của người bạn đối với vùng đất mới,...

- Về phương pháp: Ngoài việc chuẩn bị câu hỏi, cần thể hiện được sự quan tâm, gần gũi, thân mật, lịch sự với tư cách là "chủ nhà" hoặc "khách mời".

-/-

//Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn do HocOn247 tổng hợp và biên soạn. Hi vọng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Luyện tập phỏng vấn và trả lời phỏng vấn này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.


TẢI VỀ

(372) 1241 04/08/2022