Soạn bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn (Chu Mạnh Trinh)
Soạn bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn nhằm giúp các em cảm nhận được sâu sắc hơn cảnh sắc thiên nhiên Hương Sơn (chùa Hương) cùng những suy niệm, những tình cảm của tác giả với quê hương, đất nước. Qua bài thơ, ta cũng có dịp tìm hiểu về một nhà thơ tài hoa, nhà kiến trúc nổi tiếng Chu Mạnh Trinh.
Cùng tham khảo...
Soạn bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn
Đọc tài liệu hướng dẫn soạn bài Hương Sơn phong cảnh ca ngắn gọn nhất nhưng vẫn đầy đủ ý, để giúp các em học sinh có bài soạn cho bài đọc thêm này thật tốt.
Soạn Bài ca phong cảnh Hương Sơn ngắn gọn nhất
Câu 1 trang 51 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Mở đầu Bài ca phong cảnh Hương Sơn là câu thơ Bầu trời cảnh Bụt. Anh (chị) hiểu câu này như thế nào ? Câu này gợi cảm hứng gì cho cả bài hát nói ? Không khí tâm linh của cảnh Hương Sơn thể hiện ở những câu thơ nào?
Trả lời
- Câu thơ: Bầu trời cảnh Bụt thể hiện một cái nhìn bao quát về cảnh vật khi Chu Mạnh Trinh đến với Chùa Hương. Bầu trời cảnh Bụt gợi lên sự bình yên, thanh tĩnh chốn Hương Sơn đồng thời gợi lên không khí tâm linh về với Bụt, Phật.
- Cảnh vật trong bài hát nói mang không khí tâm linh: thể hiện ở vẻ đẹp thiên nhiên : "thỏ thẻ rừng mai", "lững lờ khe Yến", "lồng bóng nguyệt", "uốn thang mây".
Câu 2 trang 51 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Nhà thơ tả cảm giác của khách vãn cảnh Hương Sơn khi nghe tiếng chuông chùa như sau:
Vẳng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Hãy nhận xét về cách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên của người xưa.
Trả lời
Với người xưa, thiên nhiên là nơi con người tìm đến khi muốn rũ bỏ muộn phiền. Con người đi vào cảnh thảng thốt với tiếng chày kình. Tất cả đều cởi bỏ mọi phiền lụy của trần gian để hòa nhập vào cái không khí linh thiêng nơi chốn Phật này. Tại khoảnh khắc ấy, cả chim, cá và người đều dường như thoát tục. Cái sinh khí Hương Sơn vô hình là thế, vậy mà thi nhân đã thấy nó hiện hữu trong tất cả, hòa tan trong tất cả.
Câu 3 trang 51 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân tích nghệ thuật tả cảnh của tác giả, đặc biệt chú ý đến việc tả không gian, màu sắc, âm thanh
Trả lời
- Màu sắc: màu của thiên nhiên, cây cỏ, mây trời, đá ngũ sắc... màu sắc hài hòa, an dịu. Cách miêu tả làm cho bức tranh Hương Sơn nên thơ, nên họa.
- Âm thanh: tiếng chày kình.
=> Những câu thơ nhất mực trong sáng. Đó là sản phẩm của một cảm hứng thẩm mĩ cao độ. Yêu cái đẹp của cảnh vật đã gắn liền với lòng yêu quê hương đất nước.
Soạn Bài ca phong cảnh Hương Sơn chi tiết
Hướng dẫn trả lời câu hỏi đọc hiểu soạn bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn trang 51 SGK Ngữ văn 11 tập 1 một cách chi tiết.
Bài 1 trang 51 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Mở đầu Bài ca phong cảnh Hương Sơn là câu thơ Bầu trời cảnh Bụt. Anh (chị) hiểu câu này như thế nào ? Câu này gợi cảm hứng gì cho cả bài hát nói ? Không khí tâm linh của cảnh Hương Sơn thể hiện ở những câu thơ nào?
Trả lời
Câu thơ “Bầu trời cảnh Bụt” được hiểu là câu thơ miêu tả cảnh đẹp của Hương Sơn, được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất động. Bầu trời Hương Sơn đẹp như cảnh trên cõi Bụt, một cảnh của tiên giới, thường đại diện cho sự bình yên và thanh tịnh, bầu không khí gần gũi với thiên nhiên, lãng đãng, phiêu bồng theo chân lữ khách.
Câu thơ như một lời mời mọc người đọc hãy đến và cảm nhận về vẻ đẹp của Hương Sơn, câu thơ cũng là cảm hứng xuyên suốt về sự thanh tịnh và bình yên, không khí tâm linh nơi cõi Phật của Hương Sơn. Tâm hồn thi sĩ như bâng khuâng, bảng lảng trong tĩnh tại của tâm linh mà vẫn tỉnh táo lạ thường. Con người đến nơi này như rũ sạch mọi thứ phàm tục. Bốn câu thơ đầu tạo cảm xúc cho bài thơ hát nói. Tác giả đã mở đầu bài thơ bằng một ao ước bấy lâu nay được thỏa nguyện. “Thú Hương Sơn” mà tác giả nói ở đây là việc chiêm ngắm cảnh đẹp và bầu không khí thần tiên của Hương Sơn.
Không khí tâm linh của Hương Sơn được thể hiện qua các câu thơ:
“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh"
Bài 2 trang 51 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Nhà thơ tả cảm giác của khách vãn cảnh Hương Sơn khi nghe tiếng chuông chùa như sau:
Vẳng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Hãy nhận xét về cách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên của người xưa.
Trả lời
* Cách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên của người xưa:
- Bài thơ được viết từ cái nhìn của một du khách, một con người đến từ cõi trần tục trước một khung cảnh thần tiên. Cảm giác chủ đạo của nhà thơ là ngạc nhiên, giật mình, sững sờ và thán phục cảnh sắc Hương Sơn, nơi có chùa Hương nổi tiếng: “Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”.
- Chùa là nơi thanh tịnh, đây là nơi bình an, yên tĩnh để mọi người có thể thoát khỏi kiếp trần tục, quay trở về với cuộc sống bình an, không có chút sóng gió nào. Hình ảnh của tiếng chuông chùa làm văng vẳng bên tai những người khách khi đến đây, nó được thể hiện qua tiếng chày kình.
- Du khách từ thế giới đầy biến động ngoài kia vào đây dường như cũng bừng tỉnh ngộ, nghĩa là cũng nhập vào làm một với cảnh Bụt chốn này.
- Con người đi vào cảnh thảng thốt với tiếng chày kình. Tất cả đều cởi bỏ mọi phiền lụy của trần gian để hòa nhập vào cái không khí linh thiêng nơi chốn Phật này. Tại khoảnh khắc ấy, cả chim, cá và người đều dường như thoát tục. Cái sinh khí Hương Sơn vô hình là thế, vậy mà thi nhân đã thấy nó hiện hữu trong tất cả, hòa tan trong tất cả.
- Con người thoát khỏi kiếp trần tục, như đang vào một thế giới hoàn toàn khác, ở đó có thiên nhiên đẹp, có con người, có tiên, có bụt và có khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt mĩ, con người như thoát xác và đến một cảnh giới khác, đến một vùng đất đẹp.
=> Người xưa miêu tả cảnh thiên nhiên chủ yếu sử dụng yếu tố ước lệ. Vì vậy, hai câu thơ miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên bằng sự cảm nhận gián tiếp. Vẻ đẹp của Hương Sơn mang đậm sắc thái tôn nghiêm của Phật giáo. Tiếng chuông chùa vừa gần, vừa xa gợi sự tĩnh lặng. Câu thơ biểu hiện nỗi thảng thốt của tâm hồn du khách khi đi giữa khung cảnh Hương Sơn mà có cảm giác như đi giữa cõi mộng. Thực và hư có cảm giác như hoà lẫn với nhau.
Cách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên của người xưa thể hiện sự chân thật và đầy cảm xúc. Khi con người đắm chìm trong cảnh sắc thanh tịnh ấy, tâm hồn cũng trở nên thanh tịnh, sau khi bỏ lại những tất bật, lo lắng, đua tranh ngoài xã hội, những vị khách trở về đây với mong muốn tìm kiếm sự tĩnh lặng trong tâm hồn, rũ khỏi mình những vướng bận hồng trần. Khi nghe tiếng chuông chùa, những con người ấy chợt được giác ngộ, như bừng tỉnh dậy sau cơn mê và biết được chân lí của cuộc sống, giật mình vì bản thân đã mải miết với cuộc sống bên ngoài mà đã lãng quên những giây phút cho tâm hồn.
Bài 3 trang 51 SGK Ngữ văn 11 tập 1
Phân tích nghệ thuật tả cảnh của tác giả, đặc biệt chú ý đến việc tả không gian, màu sắc, âm thanh.
Trả lời
Tác giả Chu Mạnh Trinh có lối tả cảnh đầy hấp dẫn và thu hút, cảnh đẹp Hương Sơn không cần miêu tả quá chi tiết mà vẫn hiện lên với vẻ đẹp của một thắng cảnh, cuốn hút người đọc và hình ảnh của Hương Sơn bằng nghệ thuật miêu tả của tác giả đã đi sâu vào trong lòng người đọc.
Bài thơ miêu tả cảnh Hương Sơn theo cái nhìn của một du khách. Đầu tiên là khung cảnh được nhìn từ xa:
Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
Đệ nhất động hỏi là đây có phải
Sau đó là cảnh được miêu tả theo lối cận cảnh. Đó là âm thanh của tiếng chim hót, tiếng chuông chùa, là hình bóng lửng lơ của từng đàn cá lượn, là suối Giải Oan, chùa Cửa Võng, chùa Phật Tích... Nhà thơ sử dụng lối so sánh để làm tăng thêm màu sắc rực rỡ của cảnh:
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thêm vào đó còn là lối sử dụng ẩn dụ để điểm tô cho cảnh một làn ánh sáng thiêng liêng, huyền ảo hang lồng bóng nguyệt, lối uốn thang mây... Mặt khác, nhà thơ tả cảnh nhưng lại dùng nhiều từ chỉ trỏ: kìa, này,... tức là lối ngôn ngữ giao tiếp giúp người đọc có cảm giác như mình đang đối diện với cảnh Hương Sơn. Đó chính là những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Bài ca phong cảnh Hương Sơn.
Việc sử dụng từ láy “Kìa non non, nước nước, mây mây” khi mô tả không gian đã góp phần làm cho không gian ấy hiện lên rõ nét, có chiều sâu. “Thỏ thẻ rừng mai”, “Lững lờ khe Yến”, tác giả miêu tả cảnh vật và làm cho cảnh vật ấy trở nên có hồn, có tâm trạng và cảm xúc, những trạng thái của cảnh vật được tác giả cảm nhận sâu sắc và diễn đạt lại như chính trạng thái của con người. Từ “vẳng” làm cho không gian của Hương Sơn trở nên rộng lớn và hùng vĩ, bên cạnh đó “tiếng chày kình” lại miêu tả không gian trầm tĩnh và sâu lắng. Những màu sắc cũng được tác giả miêu tả một cách khéo léo “Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”.
Cách miêu tả của nhà thơ làm cho cảnh vật trở nên có hồn, phảng phất không khí thần tiên, xa lánh với cõi trần đầy bụi bặm. Cách miêu tả làm cho bức tranh Hương Sơn nên thơ, nên hoạ:
“Nhác trông lên [...] gấm dệt”
Những câu thơ nhất mực trong sáng. Đó là sản phẩm của một cảm hứng thẩm mĩ cao độ. Yêu cái đẹp của cảnh vật đã gắn liền với lòng yêu quê hương đất nước.
* Để cảm nhận rõ nét hơn những giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, mời các em tham khảo thêm một số đề văn mẫu sau đây:
Không chỉ có phần hướng dẫn trả lời câu hỏi soạn bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn, Đọc tài liệu còn tổng hợp đầy đủ các nội dung về tác giả tác phẩm để giúp các bạn học sinh có thể hiểu rõ hơn về tác giả Chu Mạnh Trinh và nắm bắt tác phẩm được dễ dàng hơn.
Tác giả và tác phẩm
I. Tác giả
- Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905) tự Cán Thần, hiệu Trúc Vân, người tỉnh Hưng Yên
- Ông đỗ tiến sĩ năm 1892.
- Là một nghệ sĩ tài hoa, ông không chỉ có tài làm thơ mà còn có tài về kiến trúc. Ông từng tham gia trùng tu chùa Thiên Trù trong quần thể kiến trúc Hương Sơn.
- Hương Sơn, tức là phong cảnh chùa Hương - quần thể kiến trúc, thắng cảnh nổi tiếng thuộc huyện Mĩ Đức, Hà Nội. Lễ hội chùa Hương diễn ra hằng năm vào mùa xuân.
II. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Bài ca phong cảnh Hương Sơn là một trong ba bài thơ Chu Mạnh Trinh viết về Hương Sơn vào dịp ông đứng trông coi trùng tu, tôn tạo quần thể danh thắng nơi đây.
2. Thể loại:
- Bài thơ Bài ca phong cảnh Hương Sơn được làm theo thể hát nói.
3. Nội dung chính
- Bài thơ miêu tả khung cảnh chùa Hương, được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất động với bầu không khí gần gũi với thiên nhiên, lãng đãng, phiêu bồng theo chân lữ khách.
- Qua đó khắc họa cảm giác của thi nhân, cảm giác đặc biệt với vẻ thanh thoát chốn thần tiên thể hiện tình yêu mến cảnh đẹp gắn với tình yêu quê hương đất nước của tác giả.
4. Bố cục
Bố cục Bài ca phong cảnh Hương Sơn có thể chia làm 3 phần:
- 4 câu đầu: giới thiệu khái quát cảnh Hương Sơn
- 10 câu tiếp theo: miêu tả khung cảnh Hương Sơn
- 5 câu cuối: những suy niệm của tác giả.
5. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật
- Nội dung
Tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện với tâm linh, hướng con người tới niềm tự hào về đất nước
- Nghệ thuật
+ Từ ngữ có giá trị tạo hình cao
+ Giọng thơ nhẹ nhàng, sử dụng nhiều kiểu câu khác nhau
+ Ngữ điệu tự do phù hợp với tư tưởng phóng khoáng.
Tổng kết
Bài thơ là một sự phong phú về giá trị nhân bản cao đẹp trong thế giới tâm hồn của thi nhân. Tình yêu mến cảnh đẹp gắn với tình yêu quê hương đất nước của tác giả.
Bài thơ sử dụng từ tạo hình, giọng thơ nhẹ nhàng, sử dụng nhiều kiểu câu khác nhau, ngữ điệu tự do, phù hợp với tư tưởng phóng khoáng.
// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Bài ca phong cảnh Hương Sơn do HocOn247 biên soạn gửi tới các em tham khảo. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 11 bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
Tham khảo chuẩn bị bài tiếp theo: Soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Bài ca phong cảnh Hương Sơn một cách tốt nhất.