Soạn bài Vượt thác (Võ Quảng)
Bạn đang tìm tài liệu soạn bài Vượt thác? Vậy thì đừng bỏ qua bài viết này. Tài liệu hướng dẫn soạn văn bài Vượt thác sẽ giúp các em tìm hiểu và phân tích nội dung nghệ thuật của văn bản Vượt thác (Võ Quảng) thông qua những gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu SGK.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.
Cùng tham khảo...
I. Hướng dẫn soạn bài Vượt thác chi tiết
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu và luyện tập soạn bài Vượt thác trang 40, 41 SGK Ngữ văn 6 tập 2.
1. Đọc - hiểu văn bản
Bài 1 trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Bài văn miêu tả một cuộc vượt thác của con thuyền theo trình tự thời gian và không gian như sau:
– Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác;
– Con thuyền vượt qua đoạn sông có nhiều thác dữ;
– Con thuyền ở đoạn sông đã qua thác dữ.
Dựa vào trình tự trên, em hãy tìm bố cục của bài văn.
Trả lời:
Bố cục văn bản:
– Phần 1 (từ đầu … thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước): Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi tới chân thác
– Phần 2 (tiếp … thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò): Con thuyền vượt qua khỏi đoạn sông có nhiều thác dữ
– Phần 3 (còn lại): Con thuyền ở đoạn sông đã qua thác dữ
Bài 2 trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Cảnh dòng sông và hai bên bờ qua sự miêu tả ở trong bài đã đổi thay như thế nào theo từng chặng đường của con thuyền? Theo em, vị trí quan sát để miêu tả của người kể chuyện trong bài này là ở chỗ nào? Vị trí quan sát ấy có thích hợp không? Vì sao?
Trả lời:
* Cảnh dòng sông và hai bên bờ qua sự miêu tả ở trong bài theo trình tự tuyến tính (hành trình của con thuyền):
- Đoạn sông ở vùng đồng bằng thì êm đềm, hiền hoà, thơ mộng, thuyền bè tấp nập. Quang cảnh hai bên bờ sông thật rộng rãi, trù phú với những bãi dâu trải ra bạt ngàn.
- Đến gần đoạn có nhiều thác ghềnh thì cảnh vật hai bên cũng thay đổi: vườn tược càng um tùm, những chòm cổ thụ đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước, rồi núi cao hiện ra như chắn ngang trước mặt.
- Ở đoạn sông có nhiều thác dữ, tác giả chỉ vẽ một hình ảnh về dòng nước "Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn.
* Vị trí của người kể: trên con thuyền nhìn ra dòng sông và cảnh vật đôi bờ.
-> Vị trí này thuận lợi cho việc miêu tả chân thực cảnh thiên nhiên và con người. Vì người quan sát có thể thấy được những cảnh tượng đang thay đổi trên hai bên bờ sông, vừa quan sát được viễn cảnh - lại vừa nhìn được cận cảnh như những thước phim quay chậm.
Bài 3 trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Cảnh con thuyền vượt thác đã được miêu tả như thế nào? Hãy tìm những chi tiết miêu tả ngoại hình, hành động của nhân vật dượng Hương Thư trong cuộc vượt thác. Những cách so sánh nào đã được sử dụng?
Nêu ý nghĩa của hình ảnh so sánh dượng Hương Thư giống như “một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh”.
Trả lời:
– Cảnh con thuyền vượt sông:
+ Sự chuẩn bị của con người: nấu cơm ăn để chắc bụng, chuẩn bị sào tre bịt đầu sắt
+ Dòng nước dữ dội, hung hãn: nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng
– Hình ảnh Dượng Hương Thư nổi bật:
+ Ngoại hình rắn rỏi, chắc khỏe
+ Động tác dứt khoát, nhanh, mạnh mẽ
– Sử dụng câu so sánh miêu tả cảnh vượt thác của Dương Hương Thư:
+ Sử dụng thành ngữ dân gian, so sánh ngang bằng: “động tác thả sào, rút sào nhanh như cắt”, “như một pho tượng đúc bằng đồng”
+ Lối tả cường điệu hóa: “giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh, hùng vĩ.
+ Đối lập hình ảnh Dượng Hương Thư nói năng nhỏ nhẹ, nhu mì khi ở nhà.
=> Hình ảnh con người lao động khiêm tốn, hiền lành trong đời thường, nhưng lại dũng mãnh, quyết liệt, nhanh nhẹn khi vượt qua thử thách.
Bài 4* trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Ở đoạn đầu và đoạn cuối của bài có hai hình ảnh miêu tả những cây cổ thụ trên bờ sông. Em hãy chỉ ra hai hình ảnh ấy và cho biết tác giả đã sử dụng cách chuyển nghĩa nào ở mỗi hình ảnh. Nêu ý nghĩa của từng trường hợp.
Trả lời:
Những hình ảnh so sánh miêu tả cây cổ thụ ven sông:
+ Dọc sông những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt… nhìn xuống nước.
-> Nhân hóa (chuyển nghĩa ẩn dụ) diễn tả thiên nhiên cũng như con người lo lắng trước những thử thách sắp phải đương đầu.
+ Dọc sườn núi, những cây to mọc… tiến về phía trước.
-> Biện pháp so sánh diễn tả thiên nhiên vui mừng, phấn khích trước niềm vui chinh phục của con người.
Bài 5 trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Qua bài văn, em cảm nhận như thế nào về thiên nhiên và con người lao động đã được miêu tả?
Trả lời:
Mỗi bạn sẽ có cách cảm nhận của riêng mình nhưng chú ý tập trung thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên và con người.
- Cảm nhận về thiên nhiên: vừa rất đẹp, thơ mộng lại vừa rất hùng vĩ, khoáng đạt.
- Cảm nhận về con người: vừa hiền lành, bình dị lại vừa dũng mãnh. Dượng Hương Thư giống như một dũng sĩ trên sông nước.
Tham khảo một số mẫu sau:
1. Tác phẩm miêu tả cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn đoạn từ trước địa phận Phường Rạch đến Trung Phước. Bằng các biện pháp nghệ thuật tả cảnh, tả người qua hình ảnh so sánh, nhân hóa, nổi bật lên hình ảnh con người trên khung cảnh thiên nhiên vừa mơ mộng vừa dữ dội. Đồng thời ca ngợi phẩm chất của người lao động dũng cảm, dung dị.
2.
2. Soạn bài Vượt thác phần Luyện tập
Câu hỏi luyện tập trang 41 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Hai bài Sông nước Cà Mau và Vượt thác đều miêu tả cảnh sông nước. Em hãy nêu những nét đặc sắc của phong cảnh thiên nhiên được miêu tả ở mỗi bài và nghệ thuật miêu tả của mỗi tác giả.
Trả lời:
– Trong bài Sông nước Cà Mau:
+ Cảnh thiên nhiên: Tác giả đi từ ấn tượng khái quát tới cụ thể -> mang tới hình ảnh thiên nhiên và con người Nam Bộ tấp nập, trù phú, độc đáo.
- Rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã
- Kênh rạch chằng chịt
- Chợ liền sông, chợ ngay trên sông
- Rừng đước tầng tầng lớp lớp.
+ Nghệ thuật miêu tả:
- Lời kể theo ngôi thứ nhất
- Vị trí của người kể ngồi ở trên thuyền
- Sử dụng nhiều phương pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hoá, liệt kê
- Miêu tả cụ thể chi tiết, huy động nhiều giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác.
– Trong bài Vượt thác
+ Cảnh thiên nhiên: Tác giả tả cảnh quan hai bên bờ sông theo hành trình của con thuyền qua những địa hình khác nhau, rồi tập trung miêu tả cảnh vượt thác.
- Vừa rất êm đềm thơ mộng: “thuyền rẽ sóng lướt bon bon, bãi dâu trải bạt ngàn đến tận làng xa tít".
- Vừa rất hùng vĩ dữ dội lắm thác dữ: "núi cao đột ngột hiện ra, nước ở trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng, nhiều cây cổ thụ".
+ Nghệ thuật miêu tả:
- Lời kể theo ngôi thứ nhất, lối kể chuyện tự nhiên
- Điểm nhìn từ trên thuyền, một vị trí rất thích hợp
- Cách miêu tả tinh tế sử dụng nhiều phương pháp nghệ thuật so sánh, nhân hoá, bằng lối chấm phá.
=> Làm nổi bật hình ảnh con người dũng cảm, kiên định trước mọi khó khăn thử thách.
II. Soạn bài Vượt thác ngắn nhất
1. Soạn bài Vượt thác ngắn nhất phần Đọc hiểu
Câu 1 trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Bố cục:
- Đoạn 1 (Từ đầu ... chuẩn bị vượt nhiều thác nước) : trên đoạn sông phẳng lặng.
- Đoạn 2 (tiếp ... khỏi thác Cổ Cò) : thuyền qua đoạn sông nhiều thác dữ.
- Đoạn 3 (còn lại) : khi thuyền qua thác dữ.
Câu 2 trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Cảnh dòng sông và hai bên bờ thay đổi theo trật tự không gian, thời gian:
- Chặng 1 - sông phẳng lặng, êm đềm, bãi dâu bạt ngàn, chòm cổ thụ, núi cao.
- Chặng 2 - đoạn thác dữ, nước cao, vách đá cao.
- Chặng 3 - đã qua đoạn thác dữ, qua núi thấy đồng ruộng.
Vị trí quan sát : trên con thuyền vượt thác ấy, người quan sát có thể miêu tả chân thực và linh hoạt về cảnh sắc.
Câu 3 trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
* Cảnh con thuyền vượt thác :
- Tinh thần sẵn sàng : nấu cơm ăn để được chắc bụng, ...
- Hành động con người : nhanh, mạnh.
- Dòng nước hung hãn: nước từ trên cao phóng...
* Hình ảnh dượng Hương Thư :
- Ngoại hình to khỏe, rắn chắc : “như một pho tượng ... như một hiệp sĩ”.
- Hành động mạnh mẽ : “đánh trần đứng sau ... lấy thế trụ lại”.
* Những cách so sánh để miêu tả dượng Hương Thư :
- Sử dụng thành ngữ : nhanh như cắt, như một pho tượng đồng đúc.
- Dùng hình ảnh cường điệu : hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.
* Ý nghĩa của hình ảnh so sánh dượng Hương Thư giống như “một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh”: người anh hùng trước thiên nhiên hùng vĩ. Đối lập với tính cách hiền lành khi ở nhà. Khẳng định phẩm chất đáng quý của người lao động: bản chất hiền lành, nhút nhát nhưng trong công việc lại dũng cảm, nhanh nhẹn.
Câu 4* trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Hình ảnh cây cổ thụ :
- Đoạn đầu : Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước → chuyển nghĩa ẩn dụ : thiên nhiên cũng lo lắng trước thử thách.
- Đoạn cuối : Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước → chuyển nghĩa hoán dụ : thiên nhiên cùng chung niềm vui với chiến thắng con người.
Câu 5 trang 40 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Hình ảnh con người và thiên nhiên :
- Thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng.
- Con người lao động chất phác mà anh hùng.
2. Soạn Vượt thác ngắn nhất phần Luyện tập
Sông nước Cà Mau | Vượt thác | |
---|---|---|
Thiên nhiên | Sông nước hùng vĩ, hoang dã | |
Vùng Nam Bộ rộng lớn, chợ Năm Căn tấp nập, sông ngòi chằng chịt | Miền trung Trường Sơn thác nước dữ dội | |
Nghệ thuật | Từ khái quát đến cụ thể | Trình tự không gian, thời gian |
III. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm
- Võ Quảng (1920 – 2007), quê ở tỉnh Quảng Nam, là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.
- Quê nội (1974) cùng với Tảng sáng (1976) là những tác phẩm thành công nhất của Võ Quảng. Truyện viết về cuộc sống ở một làng quê ven sông Thu Bồn (làng Hoà Phước) tỉnh Quảng Nam, miền Trung Trung Bộ vào những ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân vật chính của truyện là hai em thiếu niên :Cục và Cù Lao.
- Đoạn trích Vượt thác trích từ chương XI của truyện Quê nội. Tên bài văn do người biên soạn đặt.
+ Nội dung chính: Vượt thác miêu tả dòng sông Thu Bồn và cảnh quan hai bên bờ sông theo hành trình của con thuyền: đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác, đoạn sông có nhiều thác dữ và đoạn sông đã qua thác dữ. Bằng việc tập trung vào cảnh vượt thác, tác giả làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của nhân vật dượng Hương Thư trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.
+ Bố cục:
- Đoạn 1 (Từ đầu ... chuẩn bị vượt nhiều thác nước) : trên đoạn sông phẳng lặng.
- Đoạn 2 (tiếp ... khỏi thác Cổ Cò) : thuyền qua đoạn sông nhiều thác dữ.
- Đoạn 3 (còn lại) : khi thuyền qua thác dữ.
IV. Tổng kết
• Bài văn miêu tả cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.
• Nghệ thuật tả cảnh, tả người từ điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác rất tự nhiên, sinh động.
// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Vượt thác của Võ Quảng. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 6 bài Vượt thác này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Vượt thác một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.