Bài 1 trang 56 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Trả lời câu hỏi bài 1 trang 56 SGK Ngữ văn 6 tập 1, soạn bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ ngữ văn 6: Hãy tìm một số trường hợp chuyển nghĩa...
(379) 1262 04/08/2022

Hướng dẫn chi tiết trả lời bài 1 trang 56 SGK Ngữ văn lớp 6 tập 1 phần trả lời câu hỏi luyện tập, soạn bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ ngắn gọn nhất giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi tới lớp.

Đề bài

Hãy tìm một số trường hợp chuyển nghĩa của các từ đầu, mũi, tay.

Trả lời bài 1 trang 56 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Câu trả lời tham khảo

Trả lời chi tiết

Ba từ chỉ cơ thể người: đầu, mũi, tay.

Đầu:

- Nghĩa gốc: phần trên nhất của thân thể người hay phần trước nhất của thân loài vật, ở đó có hệ thần kinh trung ương, phần lớn các giác quan, nối vào thân bằng cổ. Ví dụ: Đầu bạc răng long, đau đầu, nhức đầu, Đầu voi đuôi chuột,…

- Các trường hợp chuyển nghĩa thường gặp:

  • Phần trên nhất, trước nhất của một vật (đầu trang sách, đầu sông, đầu đường)
  • Phần trước nhất của một sự việc (đầu mối)
  • Phần có điểm xuất phát của một khoảng không gian, thời gian (đầu năm, đầu tháng, đầu tuần);
  • Phần tốt nhất (đứng đầu lớp về môn toán);
  • Vị trí hoặc thời điểm thứ nhất, trên hoặc trước những vị trí, thời điểm khác(lần đầu, ngồi đầu bàn, lá cờ đầu, …)
  • Phần ở tận cùng, giống nhau, ở hai phía đối lập trên chiều dài của một vật (hai đầu cầu, trở đầu đũa, …)

Mũi:

- Nghĩa gốc: Phần nhô cao theo trục dọc của mặt, giữa trán và môi trên, trong đó có phần phía trước của hai lỗ vừa để thở, vừa là bộ phận của cơ quan khứu giác. Ví dụ: mũi lõ, mũi tẹt, sổ mũi, khịt mũi,…

- Các trường hợp chuyển nghĩa thường gặp:

  • Phần nhọn hoặc nhọn và sắc ở đầu một vật (mũi kim, mũi kéo, mũi dao)
  • Phần đất nhọn nhô ra biển, sông (mũi Cà Mau, mũi đất)
  • Hướng triển khai lực lượng, phần lực lượng quân đội tiến lên trước (cánh quân chia thành ba mũi, mũi quân thọc sâu vào lòng địch).

Tay:

- Nghĩa gốc: Chi trên, từ vai đến ngón. Ví dụ: cánh tay, khuỷu tay, cổ tay, bàn tay, ngón tay, đau tay,…

- Các trường hợp chuyển nghĩa thường gặp:

  • Chỗ để tì, vịn chi trên (tay ghế, tay vịn cầu thang)
  • Trình độ nghề, trình độ làm việc gì đó (tay nghề, tay súng giỏi)
  • Biểu tượng cho quyền sử dụng hay định đoạt của con người (sa vào tay giặc, có đủ quyền hành trong tay)
  • Bên tham gia vào một việc nào đó có liên quan giữa các bên với nhau (cuộc đàm phán tay ba, hội nghị tay tư, …)

Trả lời ngắn gọn

Một số từ chỉ bộ phận cơ thể người có sự chuyển nghĩa:

– Đầu: đầu trang sách, đầu đường, đầu cầu, đầu mối, đầu năm, đứng đầu lớp, lần đầu, ngồi đầu bàn, lá cờ đầu, …

– Mũi: mũi kim, mũi kéo, mũi dao, mũi Cà Mau, mũi đất, mũi quân,…

– Tay: tay ghế, tay vịn cầu thang, tay nghề, tay súng giỏi, vào tay giặc, quyền hành trong tay, đàm phán tay ba, …

Ghi nhớ

- Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa.

- Trong từ nhiều nghĩa có :

  • Nghĩa gốc là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.
  • Nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc.

- Thông thường, trong câu, từ chỉ có một nghĩa nhất định. Tuy nhiên trong một số trường hợp, từ có thể được hiểu đồng thời theo cả nghĩa gốc lẫn nghĩa chuyển.

-------------

Trên đây là nội dung trả lời câu hỏi bài 1 trang 56 SGK Ngữ văn 6 tập 1 do HocOn247 tổng hợp và biên soạn giúp các em tham khảo để soạn bài Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ trong chương trình soạn văn 6 được tốt hơn trước khi đến lớp.


(379) 1262 04/08/2022