Vài nét về tác giả Phan Bội Châu
1. Tiểu sử, cuộc đời
- Phan Bội Châu (1867 - 1940) tên thật là Phan Văn San, hiệu Sào Nam, người huyện Nam Đàn, Nghệ An.
- Vào những năm cuối thế kỉ XIX, khi phong trào Cần vương chống Pháp thất bại, Phan Bội Châu là một trong những nhà nho Việt Nam đầu tiên nuôi ý tưởng đi tìm một con đường cứu nước mới.
- Năm 1900, Phan Bội Châu đỗ Giải nguyên, ông bắt đầu vào Nam ra Bắc, tìm người cùng chí hướng.
- Năm 1904, ông lập ra Duy tân hội – tổ chức cách mạng theo đường lối dân chủ tư sản đầu tiên ở nước ta
- Năm 1905, ông lãnh đạo phong trào Đông du và xuất dương sang Nhật Bản. Từ đó, suốt hai mươi năm ông bôn ba rất nhiều nước để mưu sự phục quốc nhưng việc không thành
- Năm 1925, thực dân Pháp bắt cóc ông ở Thượng Hải, Trung Quốc, sau đưa ông ra xử công khai tại Hà Nội. Ông bị giam lỏng tại Huế cho đến khi qua đời
2. Sự nghiệp sáng tác
a. Tác phẩm chính:
- Việt Nam vong quốc sử (1905)
- Hải ngoại huyết thư (1906)
- Ngục trung thư (1914)
- Trùng Quang tâm sử
- Phan Bội Châu niên biểu (1929)
- Phan Sào Nam tiên sinh quốc văn thi tập, Phan Sào Nam văn tập
b. Phong cách sáng tác:
- Chủ yếu viết bằng chữ Hán, theo các thể loại truyền thống của văn học trung đại.
- Với tư duy nhạy bén và không ngừng đổi mới, tài năng sáng tạo đa dạng, phong phú, Phan Bội Châu từng một thời làm rung động biết bao con tim yêu nước bằng những vần thơ sôi sục nhiệt huyết về cách mạng. Quan niệm văn chương là vũ khí tuyên truyền yêu nước và cách mạng.
=> Trong vòng mấy chục năm đầu thế kỉ XX, ông được xem là cây bút xuất sắc nhất của văn thơ cách mạng.