Vài nét về Nguyễn Đình Chiểu
1. Tiểu sử
- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), sinh ra tại quê mẹ - làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).
- Cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, mất mát.
- Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã khiến cha ông bỏ trốn ra Huế rồi bị cách chức. Năm 1833 cha ông trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 12 đến 19 tuổi.
- Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, đúng vào năm 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.
- Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn (1849). Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì thời tiết thất thường, vất vả và khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Trong thời gian nghỉ lại Quảng Nam chữa bệnh, tuy bệnh không hết, nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy nghề thuốc.
- Đui mù, mất mẹ, hôn thê bội ước, cảnh nhà sa sút... ông đóng cửa chịu tang cho đến năm 1851, ông mới mở trường dạy học và làm thuốc.
- Năm 1854, một người học trò tên là Lê Tăng Quýnh vì cảm phục và mến thương ông, nên đã xin gia đình gả cô em gái thứ năm của mình tên là Lê Thị Điền (1835 - 1886), người Cần Giuộc (Long An), cho thầy...
- Kể từ đó, gần chục năm sau, ngoài đôi việc trên ông còn sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ - Hà Mậu, để gửi gắm tình ý cùng hoài bão của mình.
- Ngày 17 tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, được nhiều người đánh giá cao.
- Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến; từ chối trước mọi cám dỗ của đối phương.
- Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã mất.
- Ngày 3 tháng 7 năm 1888, ông mất tại Ba Tri, Bến Tre. Người ta kể lại rằng ngày đưa đi an táng, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông.
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
- Cuộc đời sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn chính: trước và sau khi thực dân Pháp xâm lược:
+ Ở giai đoạn đầu, ông viết hai truyện thơ dài: Truyện Lục Vân Tiên và Dương Từ- Hà Mậu.
+ Giai đoạn sau: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Thơ điếu Trương Định, Thơ điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, Ngư Tiều y thuật vấn đáp,...
b. Đặc điểm thơ văn
- Ông thường dùng chữ Nôm, và bằng ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu sức gợi cảm, khiến cho tác phẩm của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam.
- Ông là nhà thơ đầu tiên xây dựng thành công hình ảnh những người nông dân trong văn học Việt, đắp tô tượng đài vĩnh cửu về người anh hùng Nam Bộ tiên phong trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược.
-Ông đề cao tư tưởng Nho gia, điều đáng chú ý là các tư tưởng ấy mang nội dung đạo nghĩa nhân dân, gắn chặt với ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước, do đó có một ý nghĩa xã hội to lớn, khởi đầu cho một thời đại văn chương sử thi mới sau này
c. Phong cách nghệ thuật
- Đậm sắc thái Nam Bộ: ngôn ngữ Nam Bộ, bình dị, chân chất.