Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận

Soạn bài Luyện tập vận dụng các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận, trả lời các câu hỏi bài tập Luyện tập vận dụng phương thức biểu đạt trong văn nghị luận trang 158 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 1.
(372) 1239 04/08/2022

Tài liệu soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận do Học Tốt tổng hợp và biên soạn giúp em nắm được cách vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh trong một đoạn văn, bài văn nghị luận.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.

    Cùng tham khảo ....

Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận

Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận NGẮN GỌN

Nội dung bài Luyện tập vận dụng phương thức biểu đạt trong văn nghị luận có hai phần: luyện tập trên lớp và luyện tập ở nhà. Đọc tài liệu chia sẻ với các bạn học sinh cách soạn bài ngắn gọn nhất để dễ dàng nắm bắt kiến thức trọng tâm.

I. Luyện tập trên lớpvận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận

Câu 1 trang 158 Ngữ văn 12 tập 1

Vận dụng các kiến thức đã học từ lớp 8, hãy trả lời các câu hỏi:

a. Vì sao trong một bài văn nghị luận, chúng ta có những lúc cần vận dụng kết hợp các phương thức diễn đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm?

b. Muốn cho việc vận dụng các phương thức biểu đạt có kết quả cao chúng ta cần chú ý điều gì? Cho ví dụ?

Trả lời:

a, Trong bài văn nghị luận cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm

+ Khắc phục hạn chế của bài văn nghị luận: khô khan, thiên về lý tính.

+ Yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm đem lại sự cụ thể, sinh động cho bài văn nghị luận.

b, Bài văn thuộc một kiểu văn bản chính, kiểu văn bản chính dứt khoát văn bản nghị luận.

+ Các yếu tố kẻ, tả, biểu cảm chỉ là yếu tố kết hợp, chúng không thể làm thay đổi đặc trưng chính của văn bản nghị luận.

Câu 2 trang 158 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Vận dụng kết hợp phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm là cần nhưng chưa đủ. Trong rất nhiều trường hợp, để bài văn (đoạn văn) nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì người viết (người nói) còn phải có khả năng vận dụng kết hợp phương thức biểu đạt thuyết minh. Nói như vậy có đúng không? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

Vận dụng kết hợp phương thức thuyết minh trong văn nghị luận:

– Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng phương thức nghị luận để khẳng định sự cần thiết của chỉ số GNP bên cạnh chỉ số GDP để đánh giá thu nhập hằng năm của người Việt Nam.

– Bên cạnh đó, người viết còn vận dụng kết hợp yếu tố thuyết minh ở những kiến thức mà bài viết cung cấp cho người đọc về GDP và GNP.

→ Tác dụng: đem lại những tri thức khoa học giúp người đọc hiểu biết rõ ràng đúng đắn hơn về vấn đề đang nêu ra bàn bạc.

Câu 3 trang 159 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Viết một bài văn nghị luận ngắn để phát biểu ý kiến trong buổi trao đổi với chủ đề: “Nhà văn mà tôi hâm mộ" do CLB Văn học của nhà trường tổ chức.

Trả lời:

Có thể tham khảo dàn ý sau:

- Nhà văn mà anh/ chị hâm mộ là ai? Tên, tuổi, quê quán, thời đại, những tác phẩm chính?...

- Vì sao anh/ chị lại hâm mộ nhà văn này? (Cống hiến lớn hay phong cách độc đáo như thế nào?)...

- Ước muốn, nguyện vọng của anh/ chị đối với nhà văn mà mình ngưỡng mộ.

II. Luyện tập ở nhà

Câu 1 - Trang 161 SGK

    Những nhận xét sau đây đúng hay sai? Vì sao?

a) Tác phẩm nghị luận có vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh nhất định phải hay hơn tác phẩm nghị luận không vận dụng các phương thức đó.

b) Tác phẩm nghị luận chỉ vận dụng kết hợp một trong các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh thì không hay bằng tác phẩm vận dụng đồng thời hai, ba hoặc cả bốn phương thức nói trên.

Trả lời:

Cả hai nhận xét đều đúng bởi:

– Một bài văn nghị luận sẽ hấp dẫn hơn khi sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt.

– Tác phẩm nghị luận chỉ vận dụng một phương thứ sẽ rơi vào đơn điệu, nhàm chán.

Câu 2 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Viết bài văn nghị luận có đề tài liên quan đến một vấn đề thời sự đang đặt ra một cách bức thiết trong cuộc sống (ví dụ: ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, an toàn, vệ sinh thực phẩm...) trong đó nhất thiết phải vận dụng kết hợp ít nhất một trong bốn phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh.

Trả lời:

Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông

An toàn giao thông đang là vấn đề rất lớn và cần thiết trong đời sống của mỗi người dân. Nhưng hiện nay, tai nạn giao thông vẫn xảy ra với con số gia tăng. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người trong toàn xã hội phải thay đổi thái độ sống, thực hiện tốt an toàn giao thông. Vậy an toàn giao thông là gì và tác hại của nó ra sao?

An toàn giao thông là các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông, phải có ý thức khi tham gia giao thông. An toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia lưu thông trên các phương tiện đường bộ, hàng hải, hàng không, là sự chấp hành tốt các luật lệ về giao thông, cư xử phù hợp khi lưu thông trên các phương tiện giao thông. An toàn giao thông đang là vấn đề “nóng” luôn được sự quan tâm của xã hội.

Về thực trạng, hàng ngày hàng giờ trên cả nước có 33 -34 người chết và bị thương/ ngày. Trong số đó, có không ít các bạn học sinh, sinh viên là nạn nhân hoặc là thủ phạm gây ra các vụ tai nạn giao thông. Theo báo cáo của UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG vào năm 2007 có 14600 vụ tai nạn giao thông, làm chết 13200 người và bị thương 10500 người. Với số lượng vụ tai nạn giao thông khá cao, gây thiệt hại về mọi mặt như tính mạng, tài sản và chất lượng cuộc sống của mọi người, từ đó bản thân mỗi người trong xã hội cần thấy và nhận thức về An toàn giao thông là vô cùng quan trọng trong đời sống. Mỗi người trong xã hội cần thực tốt an toàn giao thông không chỉ vì lợi ích bản thân mà còn vì lợi ích của mọi người, của cộng đồng. Thực tốt An toàn giao thông là đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn cho mỗi chúng ta.

Hiên nay, nguyên nhân gây tai nạn giao thông do ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông (lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm. . .). Thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông (lấy trộm ốc vít đường ray, chiếm dụng đường . . .). Sự hạn chế về cơ sở vật chất (chất lượng đường thấp, xe cộ không đảm bảo an toàn…).

Hậu quả của việc không thực hiện an toàn giao thông là rất lớn, ví thế mỗi chúng ta cần thực hiện tốt luật an toàn giao thông, chấp hành hiệu lệnh an toàn khi lưu thông . Tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường lớp. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững thêm các luật lệ và quy định đảm bảo an toàn giao thông. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư… Đi bộ sang đường đúng quy định, tham gia giúp đỡ người già yếu, người tàn tật và trẻ em qua đường đúng quy định. Thực hiện tuyên truyền luật giao thông: trao đổi với người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền xung kích về an toàn giao thông để góp phần phổ biến luật giao thông đến tất cả mọi người, tham gia các đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông…

An toàn giao thông không chỉ là vấn đề chung của xã hội mà còn cần sự đóng góp của mỗi cá nhân. Mồi chúng ta cần ý thức tốt khi lưu thông thì sẽ giảm thiểu số lượng tai nạn gây ra. Vấn đề an toàn giao thông đang được tuyên truyền rộng rãi qua báo đài, các trò chơi truyền hình …Ngay trong môi trường học đường vấn đề an toàn giao thông cũng được chú trọng, nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi học sinh về việc chấp hành luật lệ giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy…Còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, bản thân em không chỉ học tập giáo dục tốt mà còn phài thực hiện tốt an toàn giao thông vì lợi ích của bản thân và của xã hội.

Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận CHI TIẾT

I. Luyện tập trên lớpvận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận

Bài 1 trang 158 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Vận dụng các kiến thức đã học từ lớp 8, hãy trả lời các câu hỏi:

a. Vì sao trong một bài văn nghị luận, chúng ta có những lúc cần vận dụng kết hợp các phương thức diễn đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm?

b. Muốn cho việc vận dụng các phương thức biểu đạt có kết quả cao chúng ta cần chú ý điều gì? Cho ví dụ?

Trả lời:

a. Trong bài văn nghị luận có lúc cần vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả và biểu cảm vì: làm cho bài (đoạn) văn nghị luận hay hơn, hấp dẫn hơn và có sức thuyết phục đối với người đọc: bên cạnh sự thuyết phục chủ yếu bằng lập luận lôgic, còn có thêm sự hỗ trợ bằng hình ảnh, câu chuyện và cảm xúc được kết hợp trong bài nghị luận.

Khắc phục hạn chế của bài văn nghị luận là sự khô khan, thiên về lí tính, khiến người đọc khó đọc, khó hiểu.

Yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm đem lại sự cụ thể, sinh động cho văn nghị luận.

b. Để việc vận dụng các phương thức biểu đạt đó thực sự có tác dụng nâng cao hiệu quả nghị luận, cần chú ý những điều sau đây:

Phương thức biểu đạt nghị luận luôn giữ vai trò chủ đạo, các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả và biểu cảm chỉ đóng vai trò hỗ trợ thêm trong sự kết hợp với lập luận của bài nghị luận. Vì vậy, kể, tả, biểu cảm chỉ là những yếu tố kết hợp. Chúng không được làm mất, làm mờ đi đặc trưng nghị luận của bài văn. Các yếu tố kể, tả, biểu cảm khi tham gia vào bài văn nghị luận, phải chịu sự chi phối và phải phục vụ quá trình nghị luận.

Đưa các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm vào bài nghị luận phải hài hòa, hợp lí, đúng lúc, đúng chỗ, được kết hợp một cách nhuần nhị, tự nhiên trong luận cứ, luận điểm và hệ thống lập luận của bài nghị luận.

Bài 2 trang 158 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Vận dụng kết hợp phương thức tự sự, miêu tả và biểu cảm là cần nhưng chưa đủ. Trong rất nhiều trường hợp, để bài văn (đoạn văn) nghị luận có sức thuyết phục mạnh mẽ thì người viết (người nói) còn phải có khả năng vận dụng kết hợp phương thức biểu đạt thuyết minh. Nói như vậy có đúng không? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

- Thuyết minh là trình bày, giới thiệu, giải thích nhằm làm rõ những đặc điểm cơ bản, cung cấp tri thức về các sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội.

- Trong đoạn trích ví dụ, người viết muốn khẳng định về sự cần thiết của chỉ tiêu GNP (bên cạnh GDP).

Để làm cho bài viết của mình có sức thuyết phục, ngoài việc sử dụng các thao tác lập luận, người viết còn vận dụng thao tác chứng minh, với những con số rõ ràng, chính xác chỉ số GDP và GNP ở Việt Nam.

- Tác dụng, ý nghĩa của việc sử dụng thao tác thuyết minh:

+ Hỗ trợ đắc lực cho sự bàn luận của tác giả, đem lại những hiểu biết thú vị.

+ Giúp người đọc hình dung vấn đề một cách cụ thể và hình dung về mức độ nghiêm túc của vấn đề.

Bài 3 trang 159 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Viết một bài văn nghị luận ngắn để phát biểu ý kiến trong buổi trao đổi với chủ đề: “Nhà văn mà tôi hâm mộ" do CLB Văn học của nhà trường tổ chức.

Trả lời:

Giới thiệu về tác giả Nam Cao

Có lẽ như chúng ta đã biết trong nền văn học Việt Nam hiện đại, người mà để lại trong lòng độc giả những ấn tượng sâu sắc nhất đó là nhà văn Nam Cao. Ông là một nhà văn lớn của dân tộc, nếu chiến tranh không cướp đi sinh mạng ông thì chắc hẳn ông đã ngày càng mang nhiều vẻ vang cho nền văn học của dân tộc. Chính vì thế mà tôi hâm mộ Nam Cao bởi những quan niệm sống và viết về những con người nông dân dưới xã hội cũ một cách tinh tế và nặng lòng.

Nam Cao (1915 – 1951) là bút danh của nhà văn – nhà báo – liệt sĩ Trần Hữu Tri. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại Hà Nam (cách thành phố Nam Định chừng hơn 10 km). Học xong thành chung, Nam Cao bôn ba nhiều nơi, nhưng bệnh tật đẩy ông về quê. Từ đó, Nam Cao sống chật vật bằng nghề dạy học và viết văn. Năm 1943, ông vào Hội Văn hoá cứu quốc. Tham gia Tổng khởi nghĩa ở quê hương, ông được cử làm chủ tịch xã. Sau Cách mạng, với tư cách phóng viên – Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến, rồi lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn nghệ. Cuối tháng 11 năm 1951, trên đường đi công tác vào vùng địch tạm chiếm, Nam Cao anh dũng hi sinh tại làng Vũ Đại, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.Ông là cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực (1940 – 1945), là người đi tiên phong trong việc xây dựng nền văn học mới, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ( 1996 ).

Nhìn bề ngoài con người ông, ông là một người ít nói, lạnh lùng nhưng trong thâm tâm ông thì đang sôi sục xung đột gay gắt giữa lòng nhân đạo và thói ích kỷ, giữa tinh thần dũng cảm và thái độ hèn nhát, giữa tính chân thực với sự giả dối, giữa khát vọng cao cả với mong muốn tầm thường. Những điều này được thể hiện rất rõ trên những trang viết của ông. Ông sống ân tình với người nghèo khổ, bị áp bức, khinh miệt. Ông cho rằng: “không có tình thương thì không xứng đáng được gọi là Người”. Vì thế khi viết về đề tài những con người nông dân nghèo khổ bị áp bức bóc lột, ngòi bút Nam Cao lúc nào cũng tràn đầy niềm xót thương, cảm thông…Từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày mà ông đã nêu lên được vấn đề lớn của xã hội và nhiều bài học triết lí sâu sắc khiến người đời nể phục.

Trước cách mạng trong truyện ngắn “ Trăng sáng” ông từng viết: “ Nghệ thuật chỉ là tiếng đau khổ kia cất lên từ kiếp lầm than”. Vậy là từ rất sớm ông đã ý thức được rõ vai trò của người cầm bút là phải bám sát vào cuộc sống hiện thực của nhân dân để phản ánh và đồng cảm với nhân dân trong xã hội. Trong đó, đặc biệt là tác phẩm “Chí Phèo” xứng đáng là kiệt tác. Viết về đề tài này, ông khắc họa bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam xơ xác , bần cùng trong khoảng thời gian 1940 -1945. Ông quan tâm tới tình trạng nghèo đói và quá trình một bộ phận thấp cổ bé họng bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người. Càng hiền lành họ càng bị chà đạp phũ phàng. Viết về những con người nông dân, Nam Cao kết án đanh thép xã hội thực dân phong kiến đã huỷ hoại nhân hình, sói mòn nhân tính của những con người lương thiện. Không “bôi nhọ” nông dân, ông đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện, khẳng định nhiều phẩm chất cao cả của những người bị xã hội dập vùi.

Như vậy xuất phát từ những quan điểm ấy nguồn bút của Nam cao theo sát đời sống khổ ải, bần cùng của người nông dân đương thời. Khi chúng ta đọc lại những trang của ông, ta vẫn bị ám ảnh nặng nề bởi cái khổ cực khốn cùng nhất là viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945. Dường như cái đói giống như một bệnh lây lan với tốc độ nhanh và khủng khiếp trên những trang viết của ông. Chắc hẳn rằng người đọc hôm nay đã có lúc sợ hãi. Sợ hãi bởi phải đối mặt với những cái đau khổ, rùng rợn. Tôi nghĩ là khi viết những truyện ngắn ấy ông đã sống và cảm nhận đời sống bằng máu thịt để mỗi nhịp tim nhà văn rung lên bắt nhịp cho những cảm xúc vô bờ bến. Tất cả những cái đói, lời chửa rủa trách móc, tiếng khóc thảm thương, sự bế tắc,…Nam cao đã mang cả tấm lòng của mình để đón nhận, quằn quặn và đau đáu viết.

Ông hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khi mới 37 tuổi, khi đó ông chưa biết ông được tôn vinh là nhà văn lớn. Hơn nửa thế kỉ đã qua đi, những tác phẩm của ông ngày càng khẳng định giá trị hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Tôi rất hâm mộ ông, một con người có có tấm lòng chân thành sống hết mình vì nhân dân và cuộc sống hiện thực khắc nghiệt để những trang viết được vẻ vang đến tận ngày hôm nay.

II. Luyện tập ở nhà

Bài 1 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1

 Những nhận xét sau đây đúng hay sai? Vì sao?

a) Tác phẩm nghị luận có vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh nhất định phải hay hơn tác phẩm nghị luận không vận dụng các phương thức đó.

b) Tác phẩm nghị luận chỉ vận dụng kết hợp một trong các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh thì không hay bằng tác phẩm vận dụng đồng thời hai, ba hoặc cả bốn phương thức nói trên.

Trả lời:

Cả 2 nhận định đều đúng là do:

- Một bài văn nghị luận chỉ hấp dẫn khi sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nếu không nó rất dễ sa vào trừu tượng, khô khan. Việc vận dụng linh hoạt các phương thức sẽ giúp bài văn sống động hơn. Tuy nhiên cần sử dụng các phương thức phù hợp, tùy vào nội dung và yêu cầu cần thể hiện.

- Tác phẩm nghị luận chỉ vận dụng một phương pháp sẽ rơi vào đơn điệu, nhàm chán, khô cứng. Việc vận dụng linh hoạt các phương thức sẽ giúp bài văn sống động hơn.

Bài 2 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Viết bài văn nghị luận có đề tài liên quan đến một vấn đề thời sự đang đặt ra một cách bức thiết trong cuộc sống (ví dụ: ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, an toàn, vệ sinh thực phẩm...) trong đó nhất thiết phải vận dụng kết hợp ít nhất một trong bốn phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh.

Trả lời:

    Tham khảo bài văn mẫu sau đây: Nghị luận về vấn đề ô nhiễm môi trường

Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra tác hại khôn lường đến cuộc sống con người.

Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động. Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường... Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc. Vậy nguyên nhân của những sự việc đó là do đâu?

Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Dù trách nhiệm bảo vệ môi trường là của tất cả mọi người.

Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường được tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy" : trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cộ lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí. Điều này đã để lại hậu quả gì?

Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Điển hình như "làng ung thư" Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều...

Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ? Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã... Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển...

Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vậy nên, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo vệ môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Ghi nhớ

• Trong văn nghị luận, phương thức biểu đạt nghị luận luôn giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, người làm văn nghị luận vẫn có thể và nên vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh,... Việc vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn nghị luận phải xuất phát từ yêu cầu và mục đích nghị luận. 
• Nếu được sử dụng hợp lí và khéo léo, các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh có thể làm cho bài (đoạn) văn nghị luận trở nên đặc sắc, có sức thuyết phục, hấp dẫn ; từ đó, hiệu quả nghị luận được nâng cao.

// Trên đây là nội dung chi tiết bài soạn văn Luyện tập vận dụng phương thức biểu đạt trong văn nghị luận do chúng tôi biên soạn gửi tới các em. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 12 bài Luyện tập vận dụng phương thức biểu đạt trong văn nghị luận này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Luyện tập vận dụng phương thức biểu đạt trong văn nghị luận một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(372) 1239 04/08/2022