Bài 6 trang 215 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Trả lời câu hỏi bài 6 trang 215 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Ôn tập phần văn học kì 1
(372) 1241 04/08/2022

HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 6 trang 215 sách giáo khoa Ngữ văn 12 phần soạn bài Ôn tập phần văn học kì 1 của Nguyễn Tuân chi tiết nhất.

Đề bài:

Phân tích những biểu hiện của tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Trả lời bài 6 trang 215 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Để soạn bài Ôn tập phần văn học lớp 12 kì 1 lớp 12 tối ưu nhất, HocOn247 tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 6 trang 215 trong phần nội dung Soạn văn 12 như sau:

Cách trả lời 1

Biểu hiện tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:

Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) được biểu hiện ở phương diện nội dung và phương diện nghệ thuật:

* Phương diện nội dung:

– Vẻ đẹp đặc trưng cho tâm hồn, cốt cách của dân tộc Việt Nam:

+ Tình cảm tha thiết gắn bó với cội nguồn, với quá khứ, không bao giờ quên một thời gian khổ: “Mình về mình có nhớ ta… nhìn sông nhớ nguồn”…

+ Tình cảm gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam cộng khổ: “Trám bùi để rụng…”, Ta đi ta nhớ những ngày… chăn sui đắp cùng”.

+ Tinh thần lạc quan cách mạng, niềm vui sống, yêu đời: “Gian nan đời vẫn… núi đèo”

+ Tinh thần đoàn kết đồng lòng chung sức kháng chiến: “Nhớ khi giặc đến… cả chiến khu một lòng”.

+ Niềm tự hào dân tộc trước sự trưởng thành của Cách mạng: “Những đường Việt Bắc… mũ nan”.

– Tính dân tộc còn được thể hiện qua việc Tố Hữu đề cập tới những phương diện đặc trưng nhất trong đời sống của con người Việt Nam như đời sống sinh hoạt “bát cơm sẻ nửa”, đời sống học tập “lớp học i tờ”, đời sống công tác “ngày tháng cơ quan”, đời sống lao động “chày đêm nện cối”…

– Việt Bắc còn thể hiện thành công những bức tranh đặc trưng cho thiên nhiên dân tộc: “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”, kỉ niệm về thiên nhiên hoa với người bên nhau qua bốn mùa độc đáo: “Rừng xanh hoa chuối…tiếng hát ân tình, thủy chung”, hình ảnh thiên nhiên gắn liền với những địa danh: “Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê…”

* Phương diện nghệ thuật

– Tính dân tộc thể hiện ở thể thơ lục bát (thể thơ truyền thống của dân tộc), giọng thơ mềm mại, uyển chuyển, giàu tính nhạc, dễ đi vào lòng người.

– Tính dân tộc thể hiện qua hình thức đối đáp trong ca dao trữ tình truyền thống.

– Tính dân tộc thể hiện ở cách xưng hô: ta – mình mộc mạc, dân dã, thấm đượm nghĩa tình quân dân.

– Tính dân tộc thể hiện qua ngôn ngữ thuần Việt, giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ. Hình ảnh thơ gần gũi, đời thường nhiều sức gợi.

– Tính dân tộc thể hiện qua tình yêu thiên nhiên, con người Việt Bắc sâu nặng nghĩa tình.

Cách trả lời 2

Tính dân tộc của bài thơ Việt Bắc thể hiện ở những phương diện sau:

-  Thể thơ lục bát truyền thống.

-  Cấu tứ của ca dao với hai nhân vật trữ tình “ta" và “mình", người ra đi và người ở lại hát đôi đáp với nhau.

-   Về biện pháp tu từ, ngoài các ẩn dụ, hoán dụ thường có, ta có thấy nhà thơ rất chú ý sử dụng kiểu tiểu đối của ca dao, có tác dụng nhấn mạnh ý thơ tạo ra nhịp thơ uyển chuyển cân xứng, hài hoà làm cho lời thơ dễ nhớ, dễ thuộc, thấm sâu vào tâm tư.

Ví dụ:

+ Thơ Tố Hữu:

“ Mình về rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già"

(Việt Bắc)

+ Ca dao:

“Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”...

-   Về ngôn ngữ thơ: Tố Hữu đã chú trọng lời ăn tiếng nói của nhân dân nên ngôn ngữ rất giản dị, mộc mạc mà cũng rất sinh động để tái hiện lại một thời cách mạng đầy gian khổ mà dạt dào tình nghĩa.

Cách trả lời 3

Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu mang đậm tính dân tộc cả trong nội dung và hình thức biểu hiện

Về nội dung

Con người: Hiện lên trong tác phẩm Việt Bắc là hình ảnh của nhân dân ở chiến khu Việt Bắc thủy chung, tình nghĩa với 15 năm gắn bó, son sắt với cách mạng. Họ cũng hiện lên là những con người kiên cường, mạnh mẽ, không ngại khó, ngại khổ và cả những đêm hành quân thâu đêm trong khí thế hừng hực quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Hình ảnh nhân dân Việt Bắc trong bài thơ cũng chính là hình ảnh biểu tượng cho những phẩm chất của con người Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp anh hùng.

Tình cảm được phản ánh trong bài thơ cũng là tình cảm của con người Việt Nam trong thời đại mới, tiếp nối truyền thống tinh thần, tình cảm, đạo lý của dân tộc. Đó là tình cảm quân dân cá nước, sự gắn bó keo sơn giữa người chiến sĩ - cán bộ cách mạng với nhân dân trong cả nước. Bởi thực chất, người ở lại là nhân dân, còn người ra đi chính là những cán bộ kháng chiến.

Về nghệ thuật

Tác giả lựa chọn thể thơ lục bát - thể thơ do nhân dân Việt Nam sáng tạo, rất giàu nhạc tính, nhịp điệu mềm mại phù hợp với lối nói tâm tình, thủ thỉ, trải lòng của con người Việt Nam kín đáo.

Sử dụng lối nói quen thuộc của dân tộc với cặp xưng hô mình - ta và kết cấu đối đáp rất gần với cách nói trong dân gian đã khiến cho bài thơ vốn dĩ nói về một sự kiện chính trị khô khan lại trở nên bình dị, đầy cảm xúc, trở thành chuyện tâm tình giữa mình với ta, giữa người ở lại và người ra đi, giữa hai kẻ đang yêu.

Ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ rất phong phú, đa dạng, vận dụng sáng tạo các thành ngữ, tục ngữ của văn học dân gian tạo ra nhạc tính và khiến cho bài thơ mang cái hồn của dân tộc.

Tham khảo: Phân tích tính dân tộc trong bài Việt Bắc - Tố Hữu

-/-

Trên đây là nội dung trả lời câu hỏi bài 6 trang 215 SGK ngữ văn 12 tập 1 được trình bày theo nhiều cách khác nhau do HocOn247 tổng hợp và biên soạn giúp các em tham khảo để soạn bài Ôn tập phần văn học lớp 12 kì 1 tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


(372) 1241 04/08/2022