Tổng hợp các đoạn văn mẫu về tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Tổng hợp 2 đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh bao gồm các bài phân tích, cảm nhận, liên hệ so sánh hay nhất
(424) 1413 29/07/2022

ĐỀ 1: Viết đoạn văn giới thiệu một vài nét về Phạm Đình Hổ và tác phẩm Vũ trung tuỳ bút.

Bài làm

     Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) tự là Tùng Niên, hiệu là Đan Sơn, quê ở làng Đan Loan, phủ Thượng Hồng, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại cuối thời Lê - Trịnh. Ông sinh ra và lớn lên lại Kinh thành Thăng Long, rất hào hoa và nuôi mộng văn chương từ thời thơ ấu. Khi bà bảo mẫu hỏi về chí hướng mai sau, ông đã nói: “ Chí trai thì phải lập thân hành đạo, đó là phận sự, không phải nói chi nữa. NếU sau này trưởng thành mà lấy được lấy thơ văn nổi tiếng ở đời cho người ta biết con cháu nhà ấy, nhà nọ, chí tôi chỉ muốn như thế mà thôi (Tự thuật)". Ông để lại nhiều văn thơ viết bằng chữ Hán có giá trị lịch sử, xã hội và văn học. Tiêu biểu nhất là hai tác phẩm: “Vũ trung tùy bút" và “Tang thương ngẫu lục" (cuốn sau viết chung với Nguyễn Án). Phạm Đình Hổ là một cây bút văn xuôi chữ Hán thời trung đại có tác phẩm được giảng dạy trong trường phổ thông. Tác phẩm “Vũ trung tùy bút" viết khoảng đầu đời Nguyễn (đầu thế kỉ IX) Ghi chép về cuộc sống ở phủ chúa thời Thịnh Vương Trịnh Sâm, lúc mới lên ngôi, Thịnh Vương (1742-1782) là con người “cứng rắn, thông minh, quyết đoán, sáng suốt, trí tuệ hơn người” nhưng sau khi đã dẹp yên được các phe phái chống đối, lập lại kỉ cương thì “dần dần sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, phi tần, thị nữ kén vào rất nhiều, mặc ý vui chơi thoả thích, chúa say mê Đặng Thị Huệ, đắm chìm trong cuộc sống xa hoa, ăn chơi hưởng lạc...” gây nên nhiều biến động, các vương tử tranh giành quyền lực, đánh giết lẫn nhau. Đó chính là hiện thực đen tối của lịch sử nuớc ta thời đó. Tác phẩm để lại nhiều giá trị hiện thực của thời đại và cho thấy tư tưởng nhân đạo của nhà văn.

 

ĐỀ 2: Viết đoạn văn ngắn nêu ý nghĩa của đoạn văn sau “Nhà ta ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà Tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xoá thơm lừng; trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân ta sai chặt đi cũng vì cớ ấy.” (Phạm Đình Hổ - Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh – Ngữ văn 9 tập 1)

Bài làm

    Phạm Đình Hổ (1768 - 1839), quê ở tỉnh Hải Dương. Ông sáng tác rất nhiều văn thơ chữ Hán có giá trị về nhiều mặt. Nổi bật nhất phải kể đến tác phẩm "Vũ trung tùy bút", đây là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của Phạm Đình Hổ. Trong đó, Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là một trang tùy bút nổi bật trong tác phẩm. Trong đoạn văn trên, tác giả đã kể lại một sự việc đã từng xảy ra ngay tại gia đình mình. Mẹ của tác giả đã phải sai chặt đi một cây lê và hai cây lựu quí rất đẹp trong vườn nhà mình để tránh tai hoạ: “Nhà ta ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà Tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xoá thơm lừng; trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân ta sai chặt đi cũng vì cớ ấy.”. Cớ ấy chính là việc bọn chúa quan ra sức lộng hành vơ vét của cải nhân dân vô tội. Đây chính là hành vi ngang nhiên của bọn trộm cướp đúng như dân gian có câu:

Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
Cách dẫn dắt câu chuyện làm tăng sức thuyết phục cho những chi tiết chân thực mà tác giả đã ghi chép, cách viết phong phú và sinh động. Qua đó tác giả thể hiện một cách kín đáo sự bất bình và tố cáo tội ác của Chúa quan thời bấy giờ. Có thể thấy, thủ đoạn của bọn hoạn quan khiến cho người dân phải tự huỷ bỏ cây quý của nhà mình. Đó là điều hết sức vô lí, bất công. Đây cũng là đoạn kết để lại nhiều dư vang và phẫn nộ trong lòng độc giả về "triệu bất tường" của một thời đại rối ren.
(424) 1413 29/07/2022