Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

Tổng hợp 5 đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa bao gồm các bài phân tích, cảm nhận, liên hệ so sánh hay nhất
(393) 1309 29/07/2022

ĐỀ 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về vẻ đẹp thiên nhiên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
Bài làm
     Đất nước ta được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều cảnh đẹp vô cùng thơ mộng, trong đó phải kể đến Sa Pa. Trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, tác giả Nguyễn Thành Long đã phác họa bức tranh thiên nhiên ấy thật thơ mộng, huyền ảo làm say đắm lòng người. Những con đường đèo quanh co ẩn mình dưới những rặng đào. Sa Pa còn đẹp và thơ mộng hơn bởi những cánh đồng cỏ trong thung lũng, những đàn bò lang cổ đeo chuông đang thung thăng gặm cỏ, gợi tả một bức tranh thanh bình và yên ả. Khung cảnh rộng lớn của thiên nhiên, đất trời được điểm xuyết bởi những tia nắng , nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây, những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc…”, rồi “nắng mạ bạc cả con đèo”. Những đám mây cũng hòa mình nô đùa tinh nghịch trong nắng, "Mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia. Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng”, rồi “mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”. Sa Pa còn được tô điểm thêm những màu sắc tươi sáng của các loại cây lạ, và nhất là các loại hoa. Thật bất ngờ khi nhìn thấy “những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”. Còn hoa ở Sa Pa thật đẹp, ngay giữa mùa hè đã rực rỡ ngát hương với “ hoa dơn, thược dược, lay ơn, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong… Dưới lăng kính quan sát tinh tế của nhà văn, phong cảnh nơi đây đẹp biết nhường nào. Sa Pa như một bức tranh vừa hoang sơ, lặng lẽ, thơ mộng vừa hùng vĩ, kì ảo. Bút pháp lãng mạn kết hợp với vẻ đẹp của ngôn từ đã dệt lên bức tranh thiên nhiên về núi rừng tuyệt đẹp, khơi gợi trong lòng ta những tình cảm đẹp đẽ đối với quê hương đất nước.
 
ĐỀ 2: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
Bài làm
     Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là hình ảnh đẹp về người lao động mới xã hội chủ nghĩa. Anh thanh niên mang trong mình đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người của cuộc sống mới. Ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm với công việc. Nói về hoàn cảnh sống và công việc của anh. Theo lời bác lái xe thì anh là người ”cô độc nhất thế gian” bởi đã mấy năm anh sống một mình trên đỉnh núi Yên sơn cao 2600m, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây núi lặng lẽo, công việc của a là đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất…. rồi ghi chép lại và báo về trung tâm, dựa vào việc báo trước thời tiết hàng ngày. Đây là một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ chính xác cao và có tinh thần trách nhiệm cao” nửa đêm đúng giờ opps thì dù mưa tuyết giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy làm việc đã quy định: ”4 giờ, 11 giờ, 7 giờ tối lại 1 giờ sáng” công việc đòi hỏi tính chính xác theo đúng thời gian lại rất gian khổ, anh phải đối chọi với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài chỉ trực đợi mình ra là ào ào xông tới”. Nhưng cái gian khổ nhất với anh là phải vượt qua sự cô đơn vắng vẻ, quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi cao không một bóng người, đây là một hoàn cảnh đặc biệt. Anh chính là hình ảnh tiêu biểu cho những con người lao động mới đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm 70 cuối thế kỷ XX, cuộc sống đẹp đẽ và sự cống hiến hi sinh thầm lặng của anh thanh niên khiến ta trân trọng và cảm phục.
 
ĐỀ 3: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Bài làm
      Lặng lẽ Sa Pa là một tác phẩm đầy chất thơ bởi cảnh vật mộng mơ và cả những con người đang hăng say trong công cuộc lao động mới. Cô kĩ sư là đại diện cho lớp thanh niên trẻ đi tìm lí tưởng cuộc đời và đã bắt gặp được lẽ sống ấy trong cuộc gặp gỡ tình cờ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên, những điều anh nói, cả chuyện anh kể về những người khác đã khiến cô bàng hoàng, “cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới những con người như anh” và quan trọng hơn nữa về con đường mà cô đã lựa chọn, cô đang đi tới (việc lên công tác ở miền núi). Đây là cái bàng hoàng đáng lẽ cô phải biết khi yêu, nhưng bây giờ cô mới biết, nó còn giúp cô dánh giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô đã từ bỏ và yên tâm hơn về quyết định của mình. Đó là sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao cao đẹp khi người ta gặp được những ánh sáng đẹp đẽ toả ra từ cuộc sống tâm hồn người khác. Cùng với sự bàng hoàng ấy là một tình cảm hàm ơn với người thanh niên, không phải chỉ vì bó hoa to mà anh tặng cô một cách hết sức vô tư, mà còn vì “một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”. Tóm lại, thông qua những cảm xúc và suy nghĩ cùng thái độ cảm mến của những nhân vật khác, hình ảnh nhân vật anh thanh niên được hiện ra càng rõ nét và đẹp hơn, gợi ra nhiều ý nghĩa như là đã được lọc qua thứ ánh sáng tâm hồn trong trẻo và rực rỡ khiến hình ảnh ấy rạng rỡ hơn, ánh lên nhiều sắc màu hơn. Đây là một thủ pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng thành công trong việc xây dựng nhân vật chính của truyện.
 
ĐỀ 4: Viết đoạn văn phân tích vẻ đẹp của những người lao động hăng say làm việc trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
Bài làm
     Qua truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long không chỉ phác nên vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa mà còn khắc họa thành công vẻ đẹp của những con người hăng say làm việc cho đất nước. Âm thầm mà lặng lẽ, đó là anh thanh niên, anh cán bộ nghiên cứu sét, ông kĩ sư vườn rau SaPa. Anh thanh niên sống trên độ cao 2600m, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây núi lặng lẽo, công việc của a là đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất…. rồi ghi chép lại và báo về trung tâm, dựa vào việc báo trước thời tiết hàng ngày. Đây là một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ chính xác cao và có tinh thần trách nhiệm cao” nửa đêm đúng giờ ốp thì dù mưa tuyết giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy làm việc đã quy định: ”4 giờ, 11 giờ, 7 giờ tối lại 1 giờ sáng” công việc đòi hỏi tính chính xác theo đúng thời gian lại rất gian khổ, anh phải đối chọi với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài chỉ trực đợi mình ra là ào ào xông tới”. Khi được ông họa sĩ mời làm mẫu để vẽ, anh đã khiêm tốn từ chối vì có nhiều người xứng đáng hơn anh như anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Anh cán bộ cũng chăm chỉ, say mê lắm! Mười một năm không xa cơ quan một ngày, trán cứ hói dần, không có thời gian đi hỏi vợ nhưng bản đồ sét sắp hoàn thành, lúc ấy bao của chìm nông của chìm sâu khai thác được sẽ đem cống hiến cho đất nước. Không chỉ có thế hệ trẻ mới hăng say trong công việc mà những người tuổi đã cao như ông kĩ sư vườn rau SaPa cũng đem hết nhiệt huyết vào công việc nghiên cứu khoa học. Ngày ngày, ông quan sát ong thụ phấn rồi chính tay ông lai tạo ra giống su hào to hơn, ngon hơn cho nhân dân dùng. Chỉ là một anh thanh niên, một anh cán bộ, ông kĩ sư,… họ không cần ai biết đến tên tuổi, ngày ngày vẫn thầm lặng dâng cho đời những đóa hoa thơm. Một cuộc sống giản dị đem lại niềm vui đích thực cho mỗi con người như những âm vang trong lặng lẽ. Đẹp quá SaPa ơi!
 
ĐỀ 5: Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
Bài làm
      Nhân vật ông họa sĩ trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa là nhân vật được tác giả gửi gắm cái nhìn và chiều sâu của tác phẩm. Qua cái nhìn của ông họa sĩ, tác giả bộc lộ suy nghĩ, nhận xét, đánh giá về cuộc đời, con người đặc biệt là nhìn nhận về anh thanh niên một cách rõ nét với những suy tư đa chiều của người làm nghệ thuật. Cũng như những con người lao động chân chính được tác giả nói tới trong văn bản, ông họa sĩ là người khát khao cống hiến, khát khao sáng tác: Ông luôn tìm kiếm vẻ đẹp trong cuộc sống để đưa vào nghệ thuật. “Họa sĩ đã bắt gặp một điều mà thật ra ông vẫn ao ước được biết. Ôi, một nét thôi cũng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đã là giá trị một chuyến đi dài”. Người họa sĩ già xúc động, trân trọng vẻ đẹp tâm hồn con người đặc biệt là vẻ đẹp của anh thanh niên. “Chao ôi! Bắt gặp một con người như anh ta là cơ hội hạn hữu cho sáng tác”. Ông thấy anh thật đáng yêu nhưng anh làm cho “ông nhọc lòng quá với những điều ta suy nghĩ về anh và những điều anh suy nghĩ”. Truyện được kể theo ngôi thứ ba nhưng tác giả đã gửi gắm góc nhìn qua nhân vật ông họa sĩ vì ông cũng là người làm nghệ thuật và có vốn hiểu biết sâu sắc về cuộc đời. Chính sự sâu sắc trong cách nhìn đời, nhìn người đó đã phát hiện ra những vẻ đẹp cao quý của anh thanh niên. Những cảm xúc và suy nghĩ của ông họa sĩ về anh thanh niên và về những điều khác nữa được gợi lên từ câu chuyện của anh đã làm cho chân dung nhân vật chính trở nên sáng đẹp, chứa đựng những chiều sâu tư tưởng. Có thể nói, nhân vật ông họa sĩ là một trong những tấm gương tiêu biểu về người lao động chân chính và góp phần làm nên chất thơ của câu chuyện.
(393) 1309 29/07/2022