Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Làng

Tổng hợp 5 đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Làng bao gồm các bài phân tích, cảm nhận, liên hệ so sánh hay nhất
(380) 1265 29/07/2022

ĐỀ 1: Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng
Bài làm
    Mỗi người trong chúng ta đều có một nơi chôn rau cắt rốn và ai cũng có quyền được tự hào về hai tiếng quê hương. Ông Hai trong tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân cũng vậy. Ông yêu quí và tự hào về làng Chợ Dầu và hay khoe về nó một cách nhiệt tình, hào hứng. Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về làng, theo dõi tin tức kháng chiến và hỏi thăm về Chợ Dầu. Tình yêu làng của ông càng được bộc lộ một cách sâu sắc và cảm động trong hoàn cảnh thử thách, đó là tin làng chợ Dầu lập tề theo giặc. Tình huống gay gắt đó đã bộc lộ chiều sâu tình cảm của nhân vật. Trái tim ông như đau đớn, “cổ ông như nghẹn đắng hẳn lại, da mặt tê rân rân” khi phải đón nhận tin đó. Về đến nhà ông chán chường, nhìn đàn con mà nước mắt ông giàn giụa, ông nghĩ về tương lai của những đứa trẻ khi chúng có quê hương là làng Việt gian. Phải là một người yêu quê, gắn bó với ngôi làng ấy sâu sắc, ông mới cảm nhận được nỗi đau đang giằng xé trong tâm hồn mình. Ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng. Tình thế của ông càng trở nên bế tắc, tuyệt vọng khi bà chủ nhà có ý đuổi gia đình ông với lý do không chứa người của làng Việt gian. Trong lúc tưởng tuyệt đường sinh sống ấy, ông thoáng có ý nghĩ quay về làng nhưng rồi lại gạt phắt ngay bởi “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ là “cam chịu quay trở lại làm nô lệ cho thằng Tây”.Tình yêu làng lúc này đã lớn rộng thành tình yêu nước bởi dẫu tình yêu, niềm tin và tự hào về làng Dầu có bị lung lay nhưng niềm tin và Cụ Hồ và cuộc kháng chiến không hề phai nhạt. Rồi khi tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính, ông sung sướng như được sống lại, ông mặc quần áo chỉnh tề và đi báo tin khắp nơi. Tình yêu làng trong ông được sống dậy, niềm tự hào khiến ông vui như một đứa trẻ. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm đa dạng, Kim Lân đã miêu tả tâm trạng của ông Hai với những cung bậc cảm xúc chân thực. Qua đó, giúp ta thêm yêu và trân quý vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 
ĐỀ 2: Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về truyện ngắn Làng của Kim Lân
Bài làm
     Làng của nhà văn Kim Lân dù chỉ là một đoạn trích trong truyện ngắn nhưng cũng đủ để lại nhiều dư vị về tình cảm quê hương và đất nước. Ông Hai là người sống từ lâu ở làng Chợ Dầu nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc ông phải sống xa làng trong nỗi nhớ khôn nguôi. Ông rất yêu nơi mình sinh ra và lớn lên và đi đâu cũng khoe với mọi người. Tình cảm của ông thể hiện rất rõ khi nghe tin sét đánh cả làng theo Tây, lúc này tác giả tập trung miêu tả cảm giác của ông đó là “cổ nghẹn đắng”, “da mặt tê rân rân”, như cố trấn tĩnh nhưng đó là sự thật khiến ông rất thất vọng và buồn bã. Suy nghĩ khi nghe tin làng theo giặc, trong ông luôn có tâm trạng cùng sự đấu tranh nội tâm trở nên xung đột, đây là tình huống mà tác giả tập trung miêu tả hình ảnh ông Hai với tấm lòng yêu làng, yêu nước tha thiết và chân thành. Ông thấy xấu hổ vì niềm tin mà mình đã dành cho làng bấy lâu nay đã thực sự sụp đổ trong phút chốt. Nhưng rồi ông cực kỳ vui sướng khi nghe tin làng chợ Dầu vẫn theo Kháng chiến, vẫn đang chống Tây, ông không còn nỗi tủi nhục không còn buồn mà lại vui vẻ khỏe làng của mình người khác. Cuộc sống phải bỏ làng ra đi ai buồn nhưng ta lại thấy hình ảnh ông Hai đi khoe cái tin đó là “Tây nó đốt hết nhà tôi rồi, hết hẳn”, ông vui và tự hào bởi việc Tây đốt nhà giúp cho mọi người hiểu rằng làng chợ Dầu vẫn theo kháng chiến, vẫn yêu nước, đó là niềm vui thực sự. Làng trong ông Hai là một phần ruột thịt, nhà cửa hay tài sản mất đi có thể lấy lại, miễn sao cống hiến cho đất nước vững mạnh đó là niềm vui lớn lao nhất. Tình yêu làng yêu quê hương đất nước trong ông Hai thật giản dị, chân thành, tác giả tập trung miêu tả tâm lí cùng ngôn ngữ nhân vật để làm nổi bật tình cảm của ông Hai với làng, với quê hương.

ĐỀ 3: Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa tình huống truyện trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
Bài làm
      Trong tác phẩm Làng, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống truyện giàu kịch tính: Hiểu lầm rồi vỡ lẽ về việc làng Dầu của mình theo giặc. Đây là dạng tình huống thường được các nhà văn sử dụng và trong tác phẩm này nó đã khiến nhân vật bộc lộ tính cách của mình. Việc rời làng đi tản cư là sự việc có ý nghĩa tạo khung cho câu chuyện. Đó chưa phải là tình huống. Phải đến khi ông Hai nghe tin đồn làng của ông theo Tây làm Việt gian thì tình huống mới thực sự bắt đầu. Ông Hai vốn là người yêu làng tha thiết, ông rất tự hào cái làng thân yêu của mình. Và đặc biệt là đi đâu ông cũng khoe về nó, khoe về sự giàu đẹp, khoe về tinh thần chiến đấu anh hùng. Ấy vậy mà bây giờ lại có tin làng Dầu của ông theo Tây! Cái tin ấy là một cái tin chết người, nó chẳng những làm mất hết niềm tin, sụp đổ niềm tự hào về làng của ông mà còn khiến ông tủi hổ vì đã khoe khoang những điều hay về nó. Tình huống truyện kết thúc khi ông Hai biết được sự thực làng của ông không theo giặc. Qua tình huống này, hình ảnh một lão nông dân tha thiết yêu làng quê của mình, một lòng một dạ theo kháng chiến hiện ra sắc nét, với chiều sâu tâm lí, ngôn ngữ mang đậm màu sắc cá thể hoá.
 
ĐỀ 4: Viết đoạn văn phân tích tâm trạng nhân vật ông Hai khi vừa nghe tin làng chợ Dầu theo giặc
Bài làm
    Ông Hai là một người rất yêu và tự hào về làng Chợ Dầu của mình. Ông luôn đi khoe về làng của ông giàu đẹp và tinh thần kháng chiến mạnh mẽ. Chính vì vậy mà khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, ông đã đau đớn, nhục nhã, thất vọng ê chề. Tác giả đã đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống gay cấn để bộc lộ sâu sắc tình cảm yêu làng, yêu nước của ông: một người yêu làng, luôn tự hào về làng quê của mình lại bị nhận tin làng mình đã theo giặc ngay tại nơi đi tản cư. Khi vừa nghe tin, ông Hai như người mất hồn. Tác giả đã khắc họa một cách tinh tế tâm lý nhân vật: "Cổ họng ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được". Ông lão không tin vào tai mình, mặc dù lời của người phụ nữ hết sức rành rọt, rõ ràng và còn khẳng định mới từ "dưới đó lên". Ông lão phải gặng hỏi một lần nữa: "Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ tại..." Lời khẳng định quá chắc nịch khiến ông Hai như rơi vào vực thẳm. Niềm tự hào của ông, tình yêu của ông, nơi quê cha đất tổ mà ông ngày ngày mong ngóng, nhớ về giờ đây đã quay lại phản bội đất nước. Còn gì đau đớn hơn khi mảnh đất ông yêu như khúc ruột, yêu như vợ, như con lại phản bội niềm tin của ông? Tin dữ ấy đã khiến ông Hai ám ảnh, dằn vặt đau đớn đến khôn nguôi. Qua đoạn trích trên, ta lại càng hiểu được và thấm thía tình yêu làng quê tha thiết gắn bó với tình yêu nước thiêng liêng của người nông dân trong thời kì kháng chiến.
 
ĐỀ 5: Qua lời trò chuyện của nhân vật ông Hai với đứa con út, ta thấy được tình cảm sâu nặng, chân thành của ông Hai đối với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến. Em hãy viết một đoạn văn thể hiện điều đó theo cách lập luận tổng-phân-hợp, trong đoạn văn có sử dụng một câu cảm thán và lời dẫn trực tiếp, gạch chân và chú thích
Bài làm

      Qua lời trò chuyện của nhân vật ông hai với đứa con út, ta thấy được tình cảm sâu nặng, chân thành của ông 2 đối với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến. Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc ấy, ông chỉ còn biết tìm niềm an ủi trong lời tâm sự với đứa con trai nhỏ. Nói với con mà thực ra là đang trút nỗi lòng mình. Tâm sự với con, ông Hai muốn con khắc cốt ghi tâm về ngôi làng Chợ Dầu thân yêu. Dù biết rằng làng đã theo giặc, ông đã phải từ bỏ, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, ông vẫn da diết nhớ làng…  Những lời thốt ra từ miệng con trẻ như minh oan cho ông, chân thành và thiêng liêng như lời thề đinh ninh vang lên từ đáy lòng ông "Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai". Ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế qua cuộc trò chuyện với con đã thể hiện tâm lí của ông Hai rất nhớ làng, rất yêu nước. Những suy nghĩ của ông như những lời nguyện thề son sắt.Ông xúc động,nước mắt “chảy ròng ròng trên hai má”. Điều đó cũng cho thấy nét chuyển biến mới của nhân vật: yêu làng, nhớ làng nhưng một lòng gắn bó, thủy chung với cách mạng và kháng chiến. Tấm lòng của ông với làng, với nước thật sâu nặng, thiêng liêng!

Chú thích:

- Lời dẫn trực tiếp: phần gạch chân.

- Câu cảm thán: Phần in đậm.

(380) 1265 29/07/2022