Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Cố hương
ĐỀ 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về tình bạn nhân vật tôi và Nhuận Thổ trong Cố hương của Lỗ Tấn
Bài làm
Cố hương nói cho ta câu chuyện về một tình bạn của nhân vật tôi và Nhuận Thổ, tình bạn ấy đã để lại trong lòng người đọc những suy nghĩ, nhận thức. Thuở nhỏ, tình bạn ấy đẹp và vô tư, hồn nhiên, tình bạn ấu thơ không gắn trong nó những suy tính hay sự phân biệt. Kí ức tuổi thơ ùa về với kỉ niệm khi tôi và Nhuận Thổ cùng nô đùa, nghịch ngợm. Vậy mà tình cảm ngỡ tưởng có thể gắn kết ấy lại trở thành sự rụt rè, xa cách ngày gặp lại. Sự biến đổi về ngoại hình rồi thâm chí ở tính cách ở Nhuận Thổ đã phản ánh sự biến đổi trong thực tại của con người ở xã hội ấy. Con người càng lớn thì tình bạn không thể còn ngây ngô như thưở ban đầu mà mang theo trong nó bao nghi kị, bao tính toán thiệt hơn, bao sự xa cách ở cái gọi là đẳng cấp, là địa vị xã hội. Tình bạn dù lúc này không còn đơn thuần nhưng dường như nó vẫn ấm áp trogn sự quan tâm dù nhỏ bé và chẳng đáng khi đặt nó trong thang vật chất: “Ngày đông tháng giá, chẳng có gì. Đây chỉ là ít đậu xanh của nhà phơi khô, xin ông…”.Khoảng cách tồn tại trogn phút hiện tại làm không chỉ là tôi, mà còn là chúng ta, chúng ta hoài niệm, chúng ta nhớ về quá khứ với tình bạn đẹp, ngây ngô khi xưa của hai nhân vật. Nhưng rồi câu chuyện tình bạn mà Lỗ Tấn gửi đến chúng ta không chỉ khép lại trong nốt nhạc trầm buồn. Mượn hình ảnh đẹp của Hoàng, Thủy Sinh mà ta thấy được tình bạn rồi sẽ được tiếp nối và phát triển gắn với bao hoài vọng, bao niềm mơ ước.
ĐỀ 2: Viết đoạn văn nêu cảm nhận về nhân vật Nhuận Thổ trong Cố hương của Lỗ Tấn
Bài làm
Cố hương là một tác phẩm đặc sắc, man mác một tình quê vơi đầy và những trăn trở đầy nhân văn về quê hương, về con người. Nhân vật Nhuận Thổ là nhân vật thể hiện rõ nét niềm trăn trở của tác giả. Trong ký ức của nhân vật "tôi" Nhuận Thổ thuở bé là một đứa trẻ có ngoại hình đáng yêu, tràn đầy sức sống "khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bí tí teo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng". Tác phong thì nhanh nhẹn, hay nói hay cười, hiểu nhiều biết nhiều, biết bẫy cả chim khổng tước, lại biết cả bờ biển có những vỏ sò tuyệt đẹp, hay việc canh tra khỏi vào ăn dưa hấu,... Tất cả những điều ấy khiến cho "tôi" vô cùng thích thú, và hai đứa trẻ con mau chóng trở nên thân thiết mà không hề có khoảng cách. Nhưng trở về thực tại, cuộc sống khó khăn đã mài dũa bào mòn khiến Nhuận Thổ dường như biến thành một người khác. Nhuận Thổ trở thành một người đàn ông trưởng thành với thân hình cao lớn "bàn tay vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông". Những thay đổi về tình cảm, thái độ của Nhuận Thổ đã khiến nhân vật "tôi" trở nên bàng hoàng, khiến tác giả "như điếng người đi" bởi hai tiếng "Bẩm ông!" khuôn phép, khúm núm của Nhuận Thổ. Như vậy đã không còn một Nhuận Thổ suốt ngày líu lo, xưng anh em với nhân vật chính nữa rồi, điều đó khiến ông thấy buồn bã và nuối tiếc vô cùng, không khí trở nên gượng gạo và tất cả những điều nhân vật "tôi" muốn nói dường như nghẹn bứ lại ở cổ, không cách nào nói tiếp được, chỉ còn cách im lặng, nhạt nhẽo. Sự nhanh nhẹn hoạt bát đã biến mất thay vào đó là sự nhu nhược, sống cam chịu, mất hẳn cái khí thế xông pha, tay cầm đinh ba sẵn sàng đâm con tra ăn trộm dưa lúc nhỏ. Chế độ phong kiến của Trung Quốc đã khiến cho con người ta trở nên tha hóa, đánh mất dần hết những vẻ đẹp nguyên sơ, thiện chân của một con người. Qua nhân vật Nhuận Thổ, tác giả muốn khắc họa bộ phận người dân Trung Hoa với những tư tưởng sai lệch, đồng thời đặt ra vấn đề về con đường đi của người nông dân như Nhuận Thổ và xã hội lúc bấy giờ để độc giả cùng suy ngẫm.