Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương

Tổng hợp 5 đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương bao gồm các bài phân tích, cảm nhận, liên hệ so sánh hay nhất
(431) 1436 29/07/2022

ĐỀ 1: Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong tác phẩm Chuyên người con gái Nam xương của Nguyễn Dữ
Bài làm
      Yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" đã được tác giả Nguyễn Dữ thể hiện thật nhiều ở phần kết với những yếu tố trong truyện cổ tích. Đó là chi tiết Phan Lang - người cùng làng với Vũ Nương nằm mộng thả rùa và khi Phan Lang chạy nạn bị chết đuối đã được thần rùa Linh Phi cho uống thuốc tiên sống lại, cho trở về trần gian. Đó là chi tiết Vũ Nương được Trương Sinh lập đàn giải oan trên bờ Hoàng Giang và trở về trên chiếc kiệu hoa lấp lánh giữa dòng lúc ẩn, lúc hiện. Các yếu tố có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung và tư tưởng truyện. Đây chính là những chi tiết làm hoàn thiện nét đẹp tâm hồn của Vũ Nương: vẫn luôn khát khao được phục hồi danh dự, vẫn mong muốn được chăm lo cho chồng con, nhà cửa. Và đồng thời đây cũng phần nào là một kết thúc có hậu, thể hiện được ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng trong cuộc đời người tốt dù có bị nghi oan rồi cũng được đền trả xứng đáng và cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác. Nói tóm lại, những chi tiết kì ảo tuy xuất hiện không nhiều nhưng đó chính là những điểm sáng góp phần làm nên thành công của Chuyện người con gái Nam Xương.
 
ĐỀ 2: Viết một đoạn văn nghị luận có câu chủ đề: Vũ Nương là một người phụ nữ đáng thương
Bài làm
    Vũ Nương là một người phụ nữ đáng thương, hồng nhan nhưng bạc mệnh. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã cho người đọc thấy hình ảnh của một người vợ thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp phải sống xa chồng khi bụng mang dạ chửa. Đó có lẽ là một sự khó khăn lớn. Ở bất kỳ thời đại nào, những người phụ nữ luôn cần có người chồng của mình ở bên cạnh để cùng sẻ chia và gánh vác công việc gia đình. Nhưng ở Vũ Nương, người đọc thấy rõ trên đôi vai nàng là gia đình, mẹ già và con nhỏ. Nhưng dường như để phải đặt mình vào vị trí của Vũ Nương mà cảm nhận nỗi đau thì phải nói tới cái tủi khổ mà nàng phải chịu đựng dưới xã hội phong kiến đầy bất công. Trong xã hội đó, người chồng là người nắm quyền, người quyết định tất thảy mọi việc, nơi chế độ đa thê tồn tại. Dưới chế độ phong kiến ấy, người đọc thực sự cảm thấy xót xa cho Vũ Nương khi nàng cất tiếng than bên bến Hoàng Giang: "Thiếp nay trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho tôm cá, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ". Nếu như lời than làm cho mọi người thương xót thì cái chết đã chứng minh tấm lòng trinh bạch cùa Vũ Nương. Qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam XươngNguyễn Dữ đã thực sự để lại trong người đọc sự thương cảm sâu sắc đối với thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa.
 
ĐỀ 3: Viết đoạn văn ngắn (8 - 10 câu) phân tích ý nghĩa của việc Vũ Nương không trở về nhân gian nữa trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam xương của Nguyễn Dữ
Bài làm
     Việc nhân vật chính trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - nàng Vũ Nương - không trở lại nhân gian nữa sau khi trầm mình xuống sông vì nỗi oan không gì tháo gỡ được là một chi tiết đầy ý nghĩa. Trước hết, điều đó khẳng định nhân cách tốt đẹp, lòng tự trọng của Vũ Nương. Nàng dù vẫn còn lưu luyến và khao khát hạnh phúc trần gian nhưng nàng thà lìa bỏ những khao khát của mình chứ không trở lại nơi đã ruồng rẫy nàng một cách cay nghiệt. Sự việc này đồng thời là một lời nhắc nhở nghiêm khắc thói đa nghi ghen tuông hồ đồ của Trương Sinh. Chính Trương Sinh đã vội vã kết tội đẩy Vũ Nương đến cái chết thì nay, dù chàng có ăn năn hối lỗi thế nào Vũ Nương cũng không quay lại. Điều đó cảnh tỉnh người đọc rằng: hạnh phúc đã mất đi thì không bao giờ lấy lại được, bởi vậy mỗi chúng ta cần biết nâng niu trân trọng những hạnh phúc của đời mình. Mặt khác, đây cũng là một chi tiết mang giá trị hiện thực sâu sắc. Nó tố cáo xã hội phong kiến thối nát, mục ruỗng: đó là nơi không có chỗ dung thân cho những tâm hồn đẹp đẽ, cao thượng như Vũ Nương. Chi tiết Vũ Nương không trở về nhân gian để lại những ý nghĩa và nhiều điều đáng suy ngẫm cho người đời. Qua đó cũng thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của một nhà văn lỗi lạc. Nguyễn Dữ đã mượn cái chết của Vũ Nương để xót thương cho phận hồng nhan, mượn cái chết oan khuất ấy để lên án xã hội phong kiến bất nhân, tàn bạo. Có thể nói, đây là một chi tiết đã góp phần làm nên thành công của tác phẩm này.
 
ĐỀ 4: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Trương Sinh trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam xương của Nguyễn Dữ
Bài làm
    Trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, nhân vật Trương Sinh là nhân vật để lại nhiều nỗi bức xúc và cũng mang theo tư tưởng của truyện. Nhân vật là người đàn ông gia trưởng, vốn tính đa nghi và hoàn toàn có cái thế của người chồng trong xã hội phong kiến. Cuộc hôn nhân của Trương Sinh và Vũ Nương là cuộc hôn nhân không có tình yêu, Trương Sinh "mến vì dung hạnh" nên đem trăm lạng vàng cưới về. Và khi Trương Sinh đi lính về, tâm trạng lại nặng nề vì tin mẹ mất. Sự nặng nề đó, kết hợp với thói đa nghi và lời nói của đứa con nhỏ đã kích động thói ghen tuông của Trương. Anh ta đinh ninh là vợ hư: "mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được". Trương Sinh đã xử sự hồ đồ, độc đoán, la mắng, đánh đuổi vợ, không bình tĩnh phán đoán, phân tích sự việc, cũng không tin hàng xóm bênh vực Vũ Nương và những lời phân trần của nàng. Đó là thái độ độc đoán, vũ phu, hồ đồ, đẩy người vợ đến cái chết. Qua nhân vật, tác giả đã thể hiện thái độ phê phán thói hồ đồ, vũ phu đồng thời lên án tố cáo gay gắt xã hội phong kiến với những tư tưởng sai lệch đã tạo nên những hạng người xấu xa và để lại những nuối tiếc cho nhiều phận đời vô tội.
 
ĐỀ 5: Hãy viết đoạn văn nghị luận có câu mở đoạn "Đáng thương thay cho nàng Vũ Nương".
Bài làm
     Đáng thương thay cho nàng Vũ Nương! Tuy nàng là một phụ nữ đức hạnh, nết na, luôn chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình nhưng số phận của nàng lại phải chịu biết bao nỗi bất công, oan trái. Trong thời gian chồng không có mặt ở nhà, nàng đã một mình chăm lo, quán xuyến mọi việc nhà từ việc chăm sóc chu đáo cho mẹ chồng khi bà bị ốm, lo ma chay chu tất khi bà mất đi đến việc nuôi dạy con một mình. Vũ Nương đã thể hiện mình là một người phụ nữ đức hạnh, một người con dâu hiếu thảo, một người vợ hiền, một người mẹ tốt và nàng cũng được mẹ chồng ghi nhận điều này. Nhưng khi giặc tan, người chồng trở về, phần vì đau lòng trước cái chết của mẹ và tính ghen tuông có sẵn, phần vì nghe lời nói ngây thơ cùa con trẻ mà đã nghi oan cho nàng không chung thuỷ. Vũ Nương bị oan nhưng không thể minh oan cho mình trước sự nghi ngờ của chồng đã rất đau khổ và tuyệt vọng. Cuối cùng, nàng đã phải gieo mình xuống sông để tự vẫn. Cái chết cùa nàng là cái chết rất đáng thương, cái chết của sự tuyệt vọng, phản ánh số phận nhỏ bé nhưng phải chịu biết bao điều oan nghiệt của Vũ Nương nói riêng cũng như của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.
(431) 1436 29/07/2022