Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền (V.Huy-Gô)
Tài liệu hướng dẫn soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền (V.Huy-Gô) được HocOn247 biên soạn chi tiết giúp em cảm nhận được thông điệp về sức mạnh của tình thương mà tác giả muốn gửi gắm qua những hình tượng nhân vật đối lập và diễn biến của tình tiết trong tác phẩm.
Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm này.
Cùng tham khảo...
Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả Vich-to-Huy-gô
- Vích-to Huy-gô (1802 - 1885) là một thiên tài nở sớm và rọi sáng từ đầu thế kỉ XIX cho tới nay. Thời thơ ấu, Huy-gô đã phải trải qua những giằng xé trong tình cảm do giữa cha và mẹ có mâu thuẫn. Tuy nhiên, với trí thông minh và năng khiếu đặc biệt của một cậu bé được coi là “thần đồng”, Huy-gô đã tận dụng được kho sách quý báu cùng sự giáo dục sáng suốt của mẹ, cũng như bao ấn tượng mãnh liệt từ những hành trình vất vả theo cha chuyển quân từ nơi này sang nơi khác. Đó là những trang sách đời khắc nghiệt mà không phải đứa trẻ nào cũng buộc phải trải qua, song với Huy-gô lại là những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn, để lại những dấu ấn không bao giờ phai trong sáng tạo của thiên tài. Từ thời thanh xuân cho tới khi mất, sự nghiệp sáng tác của Huy-gô đều gắn với thế XIX, một thế kỷ đầy bão tố cách mạng. Lời của Huy-gô nói về thơ của mình - "... Một tiếng vọng âm vang của thời đại” - cũng có thể là nhận định chung cho toàn bộ sáng tác vừa bao la, vừa sâu thẳm của ông. Không những thế, Huy-gô là một người suốt đời có những hoạt động xã hội và chính trị tác động mạnh mẽ tới những nhân vật và khuynh hướng tiến bộ của thời đại.
- Một số tiểu thuyết của ông được giới thiệu rộng rãi trên toàn thế giới và đã quen biết ở Việt Nam như: Nhà thờ Đức Bà Pa-ri (1831), Những người khốn khổ (1862), Chín mươi ba (1874),... Thơ ông trải dài suốt cuộc đời, tiêu biểu là: Lá thu (1831), Tia sáng và bóng tối (1840), Trừng phạt (1853). Ở một lĩnh vực không phong phú bằng hai thể loại trên là kịch, Huy-gô vẫn có tác phẩm gây sóng gió trên sân khấu như Éc-na-ni (1830).
2. Tác phẩm Những người khốn khổ
- Những người khốn khổ là một bộ tiểu thuyết được nhân loại biết đến nhiều nhất trong kho tàng sáng tác “mênh mông” (gồm thơ, kịch, truyện, tiểu luận,... và cả tranh vẽ) của Huy-gô.
- Nội dung chính: Là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napolêon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ.
- Tiểu thuyết được chia làm 5 phần:
+ Phần thứ nhất: Phăng-tin
+ Phần thứ hai: Cô-dét
+ Phần thứ ba: Ma-ri-uýt
+ Phần thứ tư: Tình ca phố Pơ-luy-mê và anh hùng ca phố Xanh Đơ-ni
+ Phần thứ năm: Giăng Van-giăng.
- Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền nằm ở cuối phần thứ nhất. Vì muốn cứu một nạn nhân bị Gia-ve bắt oan, Giăng Van-giăng buộc phải tự thú mình là ai, và Ma-đờ-len chỉ là một cái tên giả. Bởi vậy, ông phải đến từ giã Phăng-tin trong khi nàng chưa biết gì về sự thật tàn nhẫn...
Các em có thể tìm hiểu nội dung chi tiết đoạn trích được học trong bài Tóm tắt đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền trước khi đến lớp. Ngoài ra, sơ đồ tư duy Người cầm quyền khôi phục uy quyền dưới đây cũng có thể giúp các em học nhanh và nhớ lâu hơn nội dung chính của đoạn trích:
Sơ đồ tư duy bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Hướng dẫn soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền
Gợi ý trả lời câu hỏi hướng dẫn học bài và luyện tập soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền trang 80 SGK Ngữ văn lớp 11 tập 2.
Hướng dẫn học bài
Người cầm quyền khôi phục uy quyền
1 - Trang 80 SGK
Phân tích nghệ thuật đối lập hai nhân vật Giăng Van-giăng và Gia-ve qua đối thoại, qua hành động. Nêu ý nghĩa của biện pháp này.
Trả lời:
Nghệ thuật đối lập hai nhân vật Giăng Văn-giăng và Gia-ve qua đối thoại, qua hành động:
* Trước khi Phăng-tin chết:
- Giăng Van-giăng: Thái độ nhẹ nhàng, nhún nhường, hành động điềm tĩnh.
- Gia-ve:
+ Với Giăng Van-giăng thì hành động lỗ mãng, ngạo ngược, tác oai tác quái
+ Thái độ trước Phăng-tin: thái độ, cách cư xử hết sức tàn nhẫn, vô lương tâm, mất hết tính người
* Sau khi Phăng-tin chết
- Giăng Van-giăng
+ Đối với Gia-ve: Thái độ mạnh mẽ, quyết liệt.
+ Đối với Phăng-tin: Giăng-van-giăng giống như một vị cứu tinh, một đấng cứu thế.
- Gia-ve: Hắn là một kẻ hống hách, độc ác, tàn bạo, vô nhân tính, lòng lang dạ thú nhưng cũng rất hèn nhát, bạc nhược chỉ biết dựa vào luật pháp để thị uy lộng quyền.
=> Ý nghĩa nghệ thuật: Bằng nghệ thuật đối lập giữa hai nhân vật, nhà văn đã lý tưởng hóa hình tượng Giăng Van-giăng mang vẻ đẹp tuyệt đối, là hiện thân của con người giàu đức hi sinh và lòng nhân ái, đấng cứu thế luôn che chở, bảo vệ, đem lại niềm tin, hi vọng cho những người nghèo khổ.
>>> Tham khảo thêm: Phân tích hai tính cách trái ngược của Gia-ve và Giăng-Van-giăng
2 - Trang 80 SGK
Phân tích những hình ảnh so sánh và ẩn dụ:
- Ở Gia-ve, tác giả đã sử dụng một loạt chi tiết nhằm quy chiếu về một ẩn dụ. Ẩn dụ mà Huy-gô nhằm gợi lên từ hình ảnh Gia-ve là gì?
- Ở Giăng Van-giăng, ta không tìm thấy một hệ thống hình ảnh so sánh quy về ẩn dụ như ở Gia-ve. Tuy nhiên, qua diễn biến tình tiết dẫn tới đoạn kết, những chi tiết về Giăng Van-giăng có thể quy chiếu về hình ảnh của ai? (Căn cứ vào đoạn văn gồm những câu hỏi; đoạn nói về cảnh tượng mà "bà xơ Xem-pli-xơ, người độc nhất chứng kiến", câu văn miêu tả gương mặt Phăng-tin kèm theo lời bình luận của tác giả.)
Trả lời:
* Ở Gia-ve: Tác giả đã sử dụng một loạt chi tiết nhằm quy chiếu về một ẩn dụ - hình tượng con ác thú Gia-ve.
- “bộ mặt gớm ghiếc”
- Giọng nói (tiếng thét “Mau lên”), "có cái gì ma rợ và điên cuồng"
- Cặp mắt: “nhìn như cái móc sắt, và với cái nhìn ấy hắn từng quen kéo giật vào hắn bao kẻ khốn khổ”.
- Cái cười: “ghê tởm phô ra tất cả hàm răng”.
=> Dựng chân dung nhân vật sinh động, qua đó tô đậm sự tàn bạo, bản tính ác thú của Giave
=> gián tiếp thái độ ghê tởm, căm ghét của nhà văn với loại người như hắn.
* Ở Giăng Van-giăng: Khi soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền ta không tìm thấy một hệ thống hình ảnh so sánh quy về ẩn dụ như Gia-ve. Tuy nhiên, qua diễn biến tình tiết dẫn tới đoạn kết, những chi tiết về Giăng Van-giăng có thể quy chiếu về hình ảnh: Một con người chân chính - con người của tình yêu thương.
3 - Trang 80 SGK
Đọc đoạn văn từ câu "Ông nói gì với chị?" đến câu "có thể là những sự thực cao cả" là phát ngôn của ai? Thuật ngữ văn học dùng để chỉ tên loại ngôn ngữ này? Ở đây, trong câu chuyện kể, nó có tác dụng như thế nào?
Trả lời:
- Đoạn văn từ câu "Ông nói gì với chị?" đến câu "có thể là những sự thực cao cả" là phát ngôn của nhà văn.
- Thuật ngữ văn học dùng để chỉ tên loại ngôn ngữ này là bình luận ngoại đề (hay "trữ tình ngoại đề"). Nó cũng là phương tiện quan trọng giúp tác giả soi sáng thêm nội dung, tư tưởng tác phẩm.
- Trong đoạn trích, nó giúp phản ánh rõ hơn tư tưởng vượt lên trên hiện thực để vươn tới cái đẹp thánh thiện => Đó cũng chính là tâm hồn nhân ái đầy thánh thiện của Giăng-van-giăng.
4 - Trang 80 SGK
Qua đoạn trích, hãy nêu những dấu hiệu của nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa.
Trả lời:
Những dấu hiệu của nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa qua đoạn trích:
- Hình ảnh "Một nụ cười không sao tả được… đi vào cõi chết".
Nghệ thuật hư cấu => vẻ đẹp lãng mạn.
- Cái kết của đoạn trích: “chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại” thể hiện rõ nét đặc điểm của chủ nghĩa lãng mạn luôn vượt lên hiện thực vươn tới cái đẹp, cái thánh thiện, thanh khiết.
- Khi Giăng Van-giăng sửa sang thi thể Phăng-tin như "một người mẹ sửa sang cho con" thì "gương mặt Phăng-tin như sáng rỡ lên một cách lạ thường". Ca ngợi sức mạnh của tình thương có thể đẩy lùi bạo lực, cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai.
>>> Tìm đọc những phân tích cụ thể và chi tiết hơn trong bài Phân tích nghệ thuật lãng mạn trong Người cầm quyền khôi phục uy quyền để thấy rõ những dấu hiệu của nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa trong đoạn trích.
Soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền phần Luyện tập
1 - Trang 80 SGK
Phân tích nghệ thuật khắc họa nhân vật Phăng-tin: Trong tình thế tuyệt vọng, ngôn ngữ và hành động của Phăng-tin có gì chứng tỏ một sức mạnh khác thường và sức mạnh ấy là gì?
Trả lời:
Trong đoạn trích, Phăng-tin không đóng vai trò là một nhân vật chính. Tuy nhiên, cách thể hiện nhân vật vẫn góp phần thể hiện những nét đặc trưng nghệ thuật nổi bật của Huy-gô. Ở nhân vật này, một lần nữa, ta có thể minh họa lại nghệ thuật đối lập, như là một nét đặc trưng cho thế giới hình tượng của Huy-gô. Đó là:
* Nghệ thuật miêu tả nhân vật:
Tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập:
+ Sự đối lập giữa: Phăng-tin \(> Gia-ve
Nạn nhân \(> Đao phủ
+ Sự đối lập giữa: Phăng-tin \(> Giăng Van-giăng
Nạn nhân \(> Vị cứu tinh
* Nghệ thuật miêu tả tâm trạng
Trong đoạn trích, Phăng-tin từ tin tưởng tuyệt đối vào Giăng Van-giăng đến lo lắng, sợ hãi (khi Giăng Van-giăng bị Gia-ve lấn át) và đến khi Gia-ve nói: "Tao đã bảo không có ông Ma-đơ-len,... chỉ có thế thôi!" thì chị đã không thể chịu đựng nổi. Chị hoảng hốt rồi mất đi. Quá trình diễn biến tâm lí của nhân vật cho ta thấy hiện lên hình ảnh một người phụ nữ thật đáng thương, thật tội nghiệp khi niềm tin về một chỗ dựa có thể giúp vượt qua cái ác bị đổ vỡ. Tuy nhiên, ngôn ngữ và hành động của Phăng-tin lại thể hiện một sức mạnh khác thường. Sức mạnh ấy là niềm tin vào tình thương yêu của con người; tin rằng cái ác không thể ngự trị mãi mãi; tương lai là của tình yêu thương và sự công bằng. Tuy vậy, sự đối lập giữa Phăng-tin và Giăng Van-giăng không bác bỏ sự thật là cả Giăng Van-giăng cũng vẫn là nạn nhân, và cả hai nhân vật đều cùng một tuyến nhân vật nếu xét theo tiêu chí Thiện - Ác.
2 - Trang 80 SGK
Vai trò của Phăng - tin trong diễn biến cốt truyện?
Trả lời:
Khi soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền chúng ta có thể thấy, Phăng-tin đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện. Có thể xem nhân vật này chính là trung tâm của cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác. Nhờ những câu chuyện xoay quanh số phận nhân vật này mà tính cách các nhân vật đối lập như Giăng Van-giăng và Gia-ve được thể hiện một cách nổi bật.
3 - Trang 80 SGK
Sự phân tuyến nhân vật ở đây có nét gì gần gũi với hệ thống nhân vật của văn học dân gian?
Trả lời:
Trong đoạn trích, cũng như trong toàn thể thiên truyện, việc phân tuyến nhân vật là khá rõ và có nhiều nét giống với văn học dân gian. Đó là cách phân tuyến theo kiểu Thiện - Ác. Các nhân vật Giăng Van-giăng, Phăng-tin đối lập với Gia-ve. Việc sắp xếp tuyến nhân vật như vậy đồng thời cho hai tuyến xung đột quyết liệt với nhau sẽ giúp làm nổi bật trọn vẹn phẩm chất và tính cách của các nhân vật cũng như ý nghĩa tư tưởng và chủ đề của tác phẩm.
Tổng kết soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền phần Ghi nhớ
Qua một câu chuyện đầy kịch tính với những hình tượng tương phản, Huy-gô muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp: Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính vẫn có thể bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai.
Trên đây là những nội dung chi tiết của bài soạn văn 11 Người cầm quyền khôi phục uy quyền (V.Huy-Gô) do HocOn247 tổng hợp và biên soạn. Để hiểu sâu và nhớ lâu hơn, các em nên kết hợp tự soạn bài theo những kiến thức của bản thân. Chúc các em luôn đạt kết quả cao trong học tập.
[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Người cầm quyền khôi phục uy quyền một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.