Soạn bài Phát biểu tự do

Soạn bài Phát biểu tự do giúp nắm vững kiến thức và trả lời câu hỏi bài tập trang 163 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 tập 2 về cách thức phát biểu tự do.
(372) 1241 04/08/2022

    Soạn bài Phát biểu tự do - HocOn247 gợi ý tìm hiểu lí thuyết và trả lời các câu hỏi bài tập về cách thức phát biểu trước một tập thể mà hoàn toàn không theo một chủ đề nào đã qui định trước.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn là một cách để nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.

Cùng tham khảo...

Soạn bài Phát biểu tự do

Kiến thức cơ bản cần nắm vững

1. Khái niệm phát biểu tự do

- Phát biểu tự do là một dạng phát biểu mà chúng ta vẫn thường gặp trong đời sống; ở đó, người phát biểu có thể hào hứng trình bày ý kiến của mình với người nghe. Đó là những ý kiến hoàn toàn không theo một chủ đề nào đã qui định trước.

- Sự khác nhau giữa phát biểu tự do với phát biểu theo chủ đề:

+ Người nói tự tìm chủ đề nội dung phát biểu.

+ Chủ đề nội dung đó có thể nảy sinh bất ngờ, ngẫu nhiên ngoài dự tính.

Nhớ lại kiến thức về phát biểu theo chủ đề trong nội dung soạn bài Phát biểu theo chủ đề đã học ở kì 1.

2. Những nhu cầu thôi thúc con người phát biểu tự do

- Phát biểu tự do sinh ra từ tình huống trong đời sống:

+ Khi có ai gợi lên xôn xao một kỉ niệm, một nỗi niềm mà lòng người phát biểu từng ấp ủ.

+ Một điều tâm niệm, một bài học, một điều trăn trở về đời sống,…ai đó gợi ra.

- Để phát biểu tự do cần:

+ Phải sống hết mình mới tìm ra chủ đề, nội dung phát biểu tự do.

+ Phải tích lũy làm giàu vốn sống, vốn hiểu biết với ý kiến thật riêng.

3. Những yếu tố giúp bài phát biểu tự do thành công

- Cần phải am hiểu chủ đề mà mình phát biểu, có hứng thú về chủ đề

- Không được xa đề, lạc đề, cần phải bám sát vào chủ đề phát biểu.

- Rèn luyện năng lực tìm ý và sắp xếp ý nhanh chóng.

- Phải chú ý đến người nghe, hướng vào những nội dung mới mẻ, thú vị, làm cho họ thích thú để điều chỉnh kịp thời.

- Diễn đạt ý kiến của mình thành một số câu, đoạn, không bắt buộc làm bài văn hoàn chỉnh.

Hướng dẫn soạn bài Phát biểu tự do chi tiết

Gợi ý trả lời các câu hỏi bài tập phần Luyện tập (SGK trang 163) về cách phát biểu tự do.

1- Trang 163 SGK

Anh (chị) hãy tìm một vài ví dụ từ đời sống của bản thân để chứng tỏ rằng: Trong thực tế không phải lúc nào con người cũng chỉ phát biểu những ý kiến mà mình đã chuẩn bị kỹ càng, theo những chủ đề định sẵn.

Trả lời:

Rất nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống buộc mỗi người phải tham gia phát biểu tự do: trong buổi họp lớp bất ngờ được mời phát biểu: được bạn bè, người thân hỏi ý kiến về một vấn đề nào đó: được yêu cầu cho ý kiến trong một buổi nói chuyện...

Ví dụ cụ thể:

-  Trong một buổi giao lưu chủ đề "Chát với 8X" của Đài truyền hình kĩ thuật số, khi được người dẫn chương trình gợi ý: "Trong chuyến đi Châu Âu, kỉ niệm nào anh nhớ nhất?", một khách mời (nghệ sĩ) đã phát biểu: "Có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ trong chuyến đi ấy: chụp ảnh lưu niệm với bạn bè, những buổi biểu diễn, gặp gỡ bà con Việt Kiều... Nhưng có lẽ kỉ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi ấy, vâng, tôi nhớ ra rồi, đó là đêm diễn cho bà con Việt Kiều ta ở Paris...". Và cứ thế, vị khách mời đã phát biểu rất say sưa những cảm nhận của mình và đêm biểu diễn ấy: nhạc sĩ biểu diễn ra sao, bà con cảm động thế nào, những người nước ngoài có mặt hôm ấy đã phát biểu những gì,....

-   Một bạn học sinh, khi được cô giáo nêu vấn đề: "Hãy phát biểu những hiểu biết của em về Thơ Mới Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945", đã giơ tay xin phát biểu ý kiến: "Thưa cô, em chỉ xin phát biểu về mảng thơ tình thôi được không ạ". Được sự đồng ý của cô giáo, bạn học sinh ấy đã phát biểu một cách say sưa, hào hứng (tuy có phần hơi lan man) về mảng thơ tình trong phong trào Thơ Mới: những nhà thơ có nhiều thơ tình, những bài thơ tình tiêu biểu, những cảm nhận về thơ tình...

-   Trong buổi đại hội chi đoàn, mặc dù không được phân công tham luận nhưng ngay sau khi bạn A phát biểu về phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", bạn B phát biểu và đóng góp ý kiến rất hay, rất bổ ích, thậm chí còn hơn cả bài phát biểu chuẩn bị sẵn của bạn A.

2- Trang 163 SGK

Từ những ví dụ về tình huống phát biểu tự do đã tìm được, anh (chị) hãy cho biết, vì sao con người luôn có nhu cầu phát biểu tự do?

Trả lời:

-   Trong quá trình sống, học tập và làm việc, con người có nhiều điểm say mê (hay buộc phải tìm hiểu) trí thức vô cùng và hiểu biết của người có hạn nên chia sẻ và được chia sẻ là điều vẫn thường gặp.

"Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội". Vì vậy, phát biểu tự do là một nhu cầu (muốn nghe người khác nói) đồng thời là một yêu cầu (người khác muốn được nghe mình nói). Qua phát biểu tự do, con người sẽ hiểu người, hiểu mình và hiểu đời hơn.

3- Trang 163 SGK

Làm thế nào để phát biểu tự do thành công? (Chọn những phương án đúng SGK trang 163).

Trả lời:

Phương án đúng là a, b, c, e, g.

4- Trang 164 SGK

Tình huống phát biểu tự do: Trước đông đảo bạn bè và đề tài tự chọn.

Trả lời:

Chủ đề cụ thể (chẳng hạn: tình bạn trong thời kì hiện nay).

Vì sao mình chọn chủ đề ấy: (chẳng hạn: tôi rất tâm đắc, hoặc đề tài này được nhiều người quan tâm: đây là chủ đề quen thuộc nhưng hấp dẫn...). Phác nhanh trong óc những ý chính của lời phát biểu và sắp xếp chúng theo trình tự hợp lí. Chẳng hạn:

(1)  Tầm quan trọng của một vấn đề tình bạn trong thời đại ngày nay.

(2)  Các yếu tố trong cuộc sống hiện nay ảnh hưởng đến tình bạn.

(3)  Những yêu cầu, tiêu chuẩn của tình bạn hiện nay.

(4)  Ý nghĩa cao đẹp của tình bạn trong thời kì hiện nay.

Nghĩ cách thu hút sự chú ý của người nghe. Ví dụ:

-  Nhấn mạnh những chỗ có ý nghĩa quan trọng

-  Đưa ra những thông tin mới, bất ngờ, có sức gây ấn tượng.

- Lồng nội dung phát biểu vào những câu chuyện kể lí thú, hấp dẫn, tìm cách diễn đạt dễ tiếp nhận và trong hoàn cảnh thích hợp có thêm sự gợi cảm, hài hước.

-   Thể hiện sự hào hứng của bản thân qua ánh mắt, giọng nói, điệu bộ, tạo cảm giác gần gũi, có sự giao lưu giữa người nói và người nghe.

Soạn bài Phát biểu tự do phần Luyện tập

1- Trang 165 SGK

Sưu tầm những lời phát biểu tự do đặc sắc, đáng để cho mình học tập.

Gợi ý:

Học sinh tự làm bài và bằng cách tìm các bài phát biểu, bài nói chuyện tự do của các nhà lãnh đạo (với các đề tài chính trị - xã hội), hoặc các nhà văn, nhà thơ (với đề tài văn học).

2- Trang 165 SGK

Giả sử anh (chị) tham khảo một quyển sách đang được giới trẻ quan tâm, yêu thích và được phát biểu ý kiến của mình. Hãy ghi lại lời phát biểu đó và nhận xét (xem SGK).

Gợi ý:

- Đó thực sự là phát biểu tự do hay phát biểu theo chủ đề sẵn?

- So với những yêu cầu đặt ra cho những ý kiến phát biểu tự do thì lời phát biểu của bản thân có những yếu điểm và hạn chế gì?

Lưu ý: Học sinh bám sát khái niệm, những yêu cầu và cách phát biểu tự do để phân tích.

---Tổng kết---

  • Trong cuộc sống, người ta có thể gặp những tình huống khiến mình muốn (hoặc cần phải) phát biểu không theo các nội dung đã chuẩn bị kĩ càng từ trước. Phát biểu trong những tình huống như thế được gọi là phát biểu tự do. 
  • Muốn thành công, người phát biểu tự do phải hiểu biết và có hứng thú với chủ đề mà mình đã chọn. Người phát biểu tự do còn cần quan tâm đến nhu cầu của người nghe, để từ đó tìm được nội dung và cách phát biểu thích hợp, có khả năng đem lại cho người nghe những điều đúng đắn, mới mẻ và bổ ích.

Xem thêmSoạn bài Phong cách ngôn ngữ hành chính

// Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết bài soạn văn Phát biểu tự do được HocOn247 sưu tầm và biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 12 bài Phát biểu tự do này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

[ĐỪNG SAO CHÉP] - Bài viết này chúng tôi chia sẻ với mong muốn giúp các bạn tham khảo, góp phần giúp cho bạn có thể để tự soạn bài Phát biểu tự do một cách tốt nhất. "Trong cách học, phải lấy tự học làm cố" - Chỉ khi bạn TỰ LÀM mới giúp bạn HIỂU HƠN VỀ BÀI HỌC và LUÔN ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ CAO.


TẢI VỀ

(372) 1241 04/08/2022