Phân tích tình người bao la trong Chiếc lá cuối cùng
Bài làm
Nếu như Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, Lão Hạc của Nam Cao, Cô bé bán diêm của An-đéc-xen khiến chúng ta bồi hồi xúc động trước tình cảm gia đình sâu nặng, thiêng liêng thì Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri lại làm cho chúng ta thổn thức vì tình yêu thương giữa những con người không cùng chung huyết thống. Nhà văn Mỹ O Hen-ri đã giúp chúng ta hiểu rằng bài ca tình người trong văn chương không chỉ dừng lại ở tình máu mủ, ruột thịt, mà bao la vô tận, thơm ngát khắp muôn nơi.
Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện ngắn hay nhất của O Hen-ri. Câu chuyện kể về Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men – những họa sĩ nghèo cùng sống trong một căn hộ thuê gần công viên Oa-sinh-tơn. Giôn-xi bị bênh viêm phổi khá nặng, cô thấy tuyệt vọng và tin rằng khi chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân cạnh cửa sổ rụng xuống, cô cũng sẽ lìa đời. Kì diệu thay, sau một đêm mưa bão khủng khiếp, chiếc lá ấy vẫn dũng cảm bám vào cành cây bằng sự kiên cường mãnh liệt. Điều đó đã khiến Giôn-xi thay đổi ý nghĩ về cái chết của mình, cô không còn muốn chết nữa mà đã lạc quan, vui vẻ và có niềm tin vào cuộc sống hơn.
Điều gì đã khiến chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy, vẫn đeo bám vào cây dây leo mỏng manh mặc cho mưa gió trút xuống? Điều gì đã khiến Giôn-xi – con người tàn nhẫn có ý nghĩ quái gở ấy lấy lại niềm tin vào cuộc sống? Phải chăng tất cả đều là một phép màu? Vâng! Đúng là có phép màu, không phải phép màu nhiệm xảy ra ở trong truyện cổ tích mà ta thường đọc, cũng không phải do ông tiên hay thần linh nào ban tặng mà đó là phép màu của tình yêu thương.
Chính cụ Bơ-men - con người có tình yêu thương, giàu đức hi sinh cao cả ấy đã làm cho chiếc lá vẫn còn mãi, vẫn tươi xanh mặc bao giông gió vùi dập phũ phàng. Cụ Bơ-men không phải nhân vật chính, cũng không xuất hiện nhiều trong văn bản. Nhưng chỉ qua vài nét chấm phá của nhà văn, người đọc đã hình dung khá rõ về người hoạ sĩ này. Đó là một cụ già ngoài sáu mươi, thân hình nhỏ nhắn, râu tóc loà xoà. Suốt đời cầm bút, ông cụ luôn mơ ước vẽ được một kiệt tác, nhưng chưa bao giờ bắt đầu và tự cho mình là “một người thất bại trong nghệ thuật”. Vậy mà lần này cụ đã làm được một việc kì diệu, đã sáng tạo được một tác phẩm hội hoạ đích thực, một kiệt tác. Giữa cái đêm lạnh giá, gió bấc ào ào, mưa đập mạnh vào cửa sổ, người hoạ sĩ già ấy đã vẽ chiếc lá thường xuân thay cho chiếc lá cuối cùng vừa lìa cành trên bức tường đối diện ở phòng của Giôn-xi. Một mình ông cụ đã bắc thang trèo lên tường, cầm đèn bão, mang đầy đủ bút lông và bảng pha màu, để sáng tác tác phẩm của mình. Tuổi cao, sức yếu mà dám đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, làm việc âm thầm như thế, thật là một con người dũng cảm. Nhưng không chỉ là một hành động dũng cảm, vẽ chiếc lá thường xuân trên tường giữa đêm mưa gió như thế thực sự là một quá trình sáng tạo gian khổ mà hào hứng của cụ Bơ-men. Ngỡ như người hoạ sĩ đã dồn hết tâm hồn, khát vọng và sức lực của đời mình cho tác phẩm. Do đó, đúng như lời nhận xét của Xiu, hình ảnh chiếc lá thường xuân trên bức tường kia “chính là kiệt tác của cụ Bơ-men”. Gọi đó là kiệt tác vì chiếc lá ấy giống in như chiếc lá thật, thậm chí còn hơn cả một chiếc lá thật. Nó đã dũng cảm bám vào cuống lá, bám chắc trên tường, mặc cho mưa tuôn, bão thổi, mặc cho khí lạnh hoành hành. Chính sức sống kiên cường ấy của chiếc lá đã thổi vào tâm hồn cô hoạ sĩ Giôn-xi, hơi ấm của niềm tin và nghị lực, kéo cô từ vực thẳm của bệnh tật vươn lên chiến thắng bệnh tật, vượt qua cái chết, trở về sự sống.
Chiếc lá vẫn đeo bám lấy sự sống để Giôn-xi thấy rằng: cuộc sống này đáng quý biết bao! Đáng trân trọng biết bao! Tại sao lại không yêu quý, trân trọng từng phút giây được sống mà lại mạng sống của mình vào những chiếc lá thường xuân? “Kiệt tác” của cụ Bơ-men cũng đã cho Giôn-xi biết rằng: cô đã quá yếu đuối, tệ bạc với cuộc đời và chính bản thân mình.
Cùng với nhân vật cụ Bơ-men, nhân vật Xiu - cô hoạ sĩ nghèo, cũng được nhà văn khắc hoạ và ngợi ca bằng những sự việc, chi tiết truyện thật cảm động. Tuy chỉ là chị em kết nghĩa, nhưng đối với Giôn-xi, Xiu đã thương yêu chăm sóc như đối với đứa em ruột thịt. Cô nấu cháo, pha sữa để bồi dưỡng sức lực cho Giôn-xi. Cô mời bác sĩ và luôn thường trực bên cạnh Giôn-xi, tận tình cứu chữa và chiều chuộng Giôn-xi. Ngỡ như mỗi nhịp đập của trái tim Giôn-xi cũng là nhịp đập trong trái tim Xiu. Tinh bè bạn, tấm lòng nhân ái, vị tha của Xiu bao la, sâu nặng vô bờ. Rõ ràng, cùng với nhân vật cụ Bơ-men, nhân vật Xiu góp những sắc màu nhỏ nhẹ, trong sáng làm đẹp thêm bức tranh tình người bao la, kì diệu của câu chuyện Chiếc lá cuối cùng.
Còn nhân vật Giôn-xi, hình tượng trung tâm của bức tranh đẹp ấy, thì góp đường nét màu sắc gì? Cô bị bệnh nặng, lại nghèo nên thuốc tháng chắc cũng thiếu thốn. Do đó, cô mang tâm trạng yếu đuối gần như bất lực trước bệnh tật. Trong cô chỉ có một niềm trông đợi là chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân trước mặt kia lìa cành thì cô cũng đi xa. Nhưng khi nghe chị Xiu thì thẩm vừa như trách mắng, vừa như thở than “Em hãy nghĩ đến chị, nếu không có em… chị sẽ làm gì đây”, thì Giôn-xi như cũng cảm thấy tâm trạng cô đơn và thấm thía nỗi buồn thương khi nghĩ tới sợi dây ràng buộc mình với bạn và thế gian cứ lơi lỏng dần. Vào chính cái giây phút cô đơn, buồn thương nhất ấy, cô gái đã nhìn thấy chiếc lá thường xuân dũng cảm sau một đêm mưa bão vẫn bám riết vào cuống lá, vẫn kiên gan đậu trên tường… Và dường như trong cô gái bỗng trỗi dậy một sức sống mới, một nghị lực mới. Cô nằm nhìn chiếc lá hồi lâu. Cái nhìn ấy dần dần hâm nóng trái tim yếu đuối giá lạnh của cô. Nếu trong chiến công này, cụ Bơ-men và Xiu là người trao tặng, người dẫn dắt thì Giôn-xi là người được nhận, người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu chống lại kẻ thù, chống lại cái chết. Do đó, quá trình diễn biến tâm trạng, cũng có thể nói là quá trình đấu tranh bản thân của nhân vật Giôn-xi đã góp phần hoàn thiện bức tranh tình thương giữa con người với con người, tô đậm vẻ đẹp kì diệu của nhân vật cụ Bơ-men, làm sáng lên nét giản dị trong sáng của nhân vật Xiu. Nhà văn kết thúc câu chuyện bằng lời kể của Xiu mà không cần kể thêm Giôn-xi đã nghĩ gì, nói gì. Áng văn dừng lại, nhưng dư âm còn vương vấn…
Thành công của Chiếc lá cuối cùng còn phải kể đến tài năng viết truyện điêu luyện của O Hen-ri đặc biệt là nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần và việc kể, tả tâm trạng nhân vật. O Hen-ri đã rất khéo léo trong việc lựa chọn ngôi kể thứ ba để có thể kể hết câu chuyện của nhân vật một cách khách quan, biểu thị thái độ đánh giá, bộc lộ các khía cạnh khác nhau cùa từng nhân vật. Truyện được xây dựng theo kiểu có nhiều tình tiết hấp dẫn, sắp xếp chặt chẽ và khéo léo khiến người đọc bị lôi cuốn vào câu chuyện một cách say mê, hứng thú. Kết thúc truyện thật bất ngờ khiến cho người đọc phải ngẫm nghĩ rất nhiều về sự hi sinh cao cả của cụ Bơ-men mà Giôn-xi lại không phản ứng gì thêm, tạo sự dư âm cho truyện ngắn đặc sắc này.
Chiếc lá cuối cùng là một tác phẩm có giá trị đối với nền văn học thế giới. Một truyện ngắn gởi thông điệp đến mọi người quan niệm về nghệ thuật và tình người thật đẹp trong cuộc sống: Đó chính là người nghệ sĩ phải sáng tạo ra những tác phẩm không chỉ bằng tài năng mà bằng cả trái tim. Một trái tim chan chứa tình yêu thương giữa con người với con người. Và nghệ thuật chân chính phải là nghệ thuật vì con người mà tồn tại, được sinh ra để phục vụ cho con người. Dư âm của câu chuyện sẽ mãi lắng đọng trong tâm trí ngưởi đọc xoay quanh chiếc lá cuối cùng – một “kiệt tác nghệ thuật” của O Hen-ri.
Sông có thể chảy mãi, chiếc lá thời gian cũng không ngừng rụng rơi nhưng có một chiếc lá vẫn đọng mãi với cuộc đời, đó là chiếc lá tình người trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen – ri. Hiếm có một truyện ngắn nào mang một sức sống mãnh liệt và để lại nhiều cảm xúc như thế. Có lẽ chất triết lý trong truyện ngắn đã tạo nên vẻ đẹp trường tồn và chính vì thế mà thông điệp của tác phẩm nhân văn này vẫn đọng mãi sâu thẳm trong trái tim người đọc.