Phân tích chi tiết tác phẩm Tức nước vỡ bờ

Dàn ý phân tích chi tiết tác phẩm Tức nước vỡ bờ bao gồm: mở bài, thân bài, kết bài giúp các em học tốt môn văn 8
(405) 1349 31/07/2022

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Ngô Tất Tố và tác phẩm.

- Dẫn dắt và giới thiệu đoạn trích Tức nước vỡ bờ: Với hơn một trăm trang tiểu thuyết Tắt đèn, đặc biệt là đoạn trích Tức nước vỡ bờ, Ngô Tất Tố đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về hiện thực xã hội bất công lúc bấy giờ và thân phận của người nông dân cũng như những vẻ đẹp của họ.

2. Thân bài

a) Tình thế của gia đình chị Dậu

- Chuyện xảy ra ở làng Đông Xá trong những ngày sưu thuế. Gia đình chị Dậu nghèo nhất nhì trong hạng cùng đinh. Đến kì nộp sưu, anh chị phải chạy vạy ngược xuôi nhưng vẫn không đủ tiền.

- Trước khi bị bắt ra ngoài đình, anh Dậu đã ủy quyền cho chị lo việc nhà. Chị bán cái Tí, đứa con gái đầu lòng 7 tuổi cho vợ chồng Nghị Quế. Chị đã bán con, bán cho để nộp sưu cho anh nhưng vẫn thiếu xuất sưu của người em chồng đã mất từ năm trước nên anh Dậu vẫn chưa được tha.

- Đến khi anh bị ngất sửu chúng mới trả về cho chị Dậu. Chị nấu cháo cho anh ăn, anh vừa kề bát cháo lên miệng thì bọn cai lệ kéo đến thúc sưu. Anh sợ quá lăn đùng ra ngất.

- Gánh nặng gia đình, tính mạng anh Dậu phụ thuộc hoàn toàn vào sự chèo chống của chị - người phụ nữ con mọn, chân yếu tay mềm.

=> Hoàn cảnh cùng quẫn, éo le, khốn khổ của những gia đình nông dân trong thời bấy giờ.

b) Bộ mặt của bọn tay sai

- Chúng xuất hiện với những công cụ để hành hung: roi song, tay thước, dây thừng...

- Cử chỉ: gõ đầu roi xuống đất thét, trợn ngược hai mắt quát, giọng hầm hè, đùng đùng giật phắt cái thừng, chạy sầm sập…

=> Bản chất tàn ác, đểu giả. Chúng chính là hiện thân đầy đủ nhất của xã hội thực dân phong kiến tàn bạo, không tình người lúc bấy giờ.

c) Diễn biến tâm lí, tính cách của chị Dậu

* Trước khi bọn tay sai xuất hiện: Chị hiện lên là một người rất mực yêu thương chồng con.

- Khi anh Dậu vừa mới tỉnh, việc đầu tiên của chị là nấu cháo cho chồng và các con ăn:

+ Quạt cháo cho nhanh nguội để anh Dậu ăn.

+ Bước từng bước rón rén bưng cháo đến bên chồng.

+ Ngồi chờ chồng ăn cháo có ngon không và lo lắng cho sức khỏe của chồng.

- Những cử chỉ, lời nói chị dành cho người chồng đau yếu rất mộc mạc nhưng vô cùng đằm thắm, dịu dàng.

à Chị mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, hết lòng yêu thương chồng con.

* Khi bọn tay sai xuất hiện

- Lúc đầu: Phân trần, van xin bọn chúng cho khất sưu kể cả khi cai lệ quát tháo, dọa nạt vẫn một mực van xin tha thiết "nhà cháu đã túng lại phải đóng cả xuất sưu của chú nó nữa nên mới lôi thôi như thế chứ cháu có dám bỏ bễ tiền sưu của nhà cháu đâu, hai ông làm phúc nói với ông lí cho cháu khất".

-> Người phụ nữ con mọn đã phải nhẫn nhục, hạ mình với những lời lẽ mềm mỏng, lễ phép vì chị biết mình là kẻ có tội nên không dám cưỡng lại phép nước. Hơn nữa, bản năng của người nông dân lép vế mách bảo nếu không nhẫn nhục sẽ chuốc lấy hậu quả khó lường. Điều quan trọng hơn là chị muốn dành sự bình yên cho chồng mình.

- Lúc sau:

+ Những lời van xin, lễ phép tha thiết của chị đã bị tên cai lệ bỏ ngoài tai. Hắn cứ xông đến để trói anh Dậu và còn đánh chị khi bị chị ăn vạ. Hành động "bịch vào ngực chị Dậu mấy bịch" là giọt nước làm tràn li, không thể nín nhịn được nữa, chị đã liều mạng cự lại.

-> Đầu tiên chị nói với chúng "chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ".  Chị đưa ra đạo lí tối thiểu của con người, chị hi vọng có thể đánh thức lương tri của bọn chúng. Lúc này, chị vô tình tha đổi cách xưng hô từ ông - cháu sang ông- tôi. Lời lẽ và giọng điệu của chị đã đanh thép hơn nhiều.

+ Lời lẽ của chị đã làm cai lệ tức giận, hắn đánh chị một cách tàn nhẫn và nhảy vào cạnh chồng chị.

-> Bao nhiêu căm hờn, uất hận được tích tụ, ghìm nén từ lâu được dịp bùng phát. Chị thách thức bọn chúng bằng những lời lẽ đanh đá, đáo để, ngỗ nghịch của người đàn bà bị dồn vào mức cùng quẫn "mày trói chồng bà đi bà cho mày xem". Không còn xưng hô ngang hàng "ông- tôi" mà gọi cai lệ là “mày” xưng “bà”. Cách xưng hô của người bề trên hoàn toàn đè bẹp uy thế của đối phương.

+ Cùng với lời thách thức, chị đã xông vào đánh nhau với bọn chúng và nhanh chóng hạ gục hai tên tay sai. Trước sức mạnh của chị, hai tên tay sai vốn rất hung hăng, hống hách trở nên thật nực cười, thảm hại.

-> Có thể nói chị đã vùng lên với một sức mạnh ghê gớm như người khổng lồ trong truyện cổ tích. Hình ảnh chị thật đẹp - một vẻ đẹp mạnh mẽ của người bị áp bức đã biết vùng lên để chống lại áo bức bất công.

=> Sức mạnh của chị Dậu là sức mạnh của lòng căm hờn nhưng gốc rễ lại là tình yêu thương. Chị mộc mạc, hiền dịu, vị tha, biết khiêm nhường, biết nhẫn nhục chịu đựng nhưng không hoàn toàn yếu đuối, không chỉ biết sợ hãi mà trái lại vẫn có một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần phản kháng tiềm tàng. Qua đó thấy được sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc của tác giả với tình cảnh cơ cực, bế tắc của người nông dân.

3. Kết bài

- Gía trị nghệ thuật:

+ Xây dựng tình huống truyện kịch tính.

+ Kể chuyện, miêu tả nhân vật sinh động.

- Nêu cảm nghĩ của bản thân: Đoạn trích Tức nước vỡ bờ, qua ngòi bút hiện thực khỏe khoắn của Ngô Tất Tố ta không chỉ cảm nhận được mối xung đột giai cấp gay gắt mà còn cảm nhận được vẻ đẹp và sức mạnh tinh thần của người phụ nữ nông dân.

(405) 1349 31/07/2022