Tập đọc: Văn hay chữ tốt
I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Khẩn khoản: tha thiết, nài nỉ người khác chấp nhận yêu cầu của mình.
- Huyện đường: nơi làm việc của quan huyện trước đây.
- Ân hận: băn khoăn, day dứt và tự trách về việc không hay xảy ra.
2. Ý nghĩa bài học
Ca ngợi tính kiên trì, quyết tâm sửa chữa chữ viết xấu của Cao Bá Quát. Sau khi hiểu chữ xấu rất có hại. Cao Bá Quát đã dốc sức rèn luyện, trở thành người nổi danh văn hay chữ tốt
3. Nội dung bài học
Câu 1: Vì sao Cao Bá Quát thường bị điểm kém?
Trả lời:
Cao Bá Quát viết văn hay nhưng lại bị thầy cho điểm kém vì ông viết chữ xấu
Câu 2: Sự việc gì xảy ra đã làm Cao Bá Quát phải ân hận?
Trả lời:
Lá thư của Cao Bá Quát viết kêu oan hộ bà cụ hàng xóm vì chữ quá xấu, quan không đọc được nên thét lính đuổi bà cụ về, khiến bà cụ không giải được nỗi oan.
Câu 3: Cao Bá Quát quyết chí luyện viết chữ như thế nào?
Trả lời
Cao Bá Quát vô cùng quyết tâm trong việc luyện chữ:
- Mỗi sáng cầm que vạch lên cột nhà cho chữ cứng cáp
- Mỗi tối viết xong 10 trang vở mới ngủ
- Khi chữ đã đẹp còn tham khảo nhiều cuốn sách chữ đẹp làm mẫu để tập nhiều kiểu khác nhau
Câu 4: Tìm đoạn mở bài, thân bài, kết bài của truyện.
Trả lời
Mở bài: “Thuở đi học … cho điểm kém”: Chữ viết xấu gây bất lợi cho Cao Bá Quát từ khi đi học
Thân bài: “Một hôm …. Nhiều kiểu chữ khác nhau” : Cao Bá Quát ân hận vì chữ viết xấu của mình đã làm hỏng việc của bà cụ hàng xóm nên quyết tâm luyện viết chữ cho đẹp
Kết bài: “Kiên trì… văn hay chữ tốt” Cao Bá Quát đã thành công và nổi danh là người văn hay chữ tốt
II. Hướng dẫn đọc diễn cảm
Đọc lưu loát toàn bài. Biết đọc diễn cảm bài văn với giọng kể từ tốn, đổi giọng linh hoạt phù hợp với diễn biến của câu chuyện, với nội dung ca ngợi quyết tâm và sự kiên trì của Cao Bá Quát.