Bài giảng Lập luận trong văn nghị luận

Tóm tắt bài Lập luận trong văn nghị luận ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 10, soạn bài dễ dàng
(380) 1265 29/07/2022

1. Khái niệm

- Lập luận là đưa ra các lí lẽ, bằng chứng nhằm dẫn dắt người nghe (đọc) đến một kết luận nào đó mà người nói (viết) muốn đạt tới.

Ví dụ:

Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại cũng rất phong phú, đa dạng, biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đao đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.

2. Cách xây dựng lập luận

a. Xác định luận điểm

- Luận điểm là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận.

- Cần xác định được luận điểm chính xác, minh bạch.

b. Tìm luận cứ

- Để làm sáng tỏ cho luận điểm, làm cho người đọc hiểu, tin vào tính đúng đắn của nó, người viết phải đưa ra các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, tức là tìm các luận cứ cho luận điểm.

c. Lựa chọn phương pháp lập luận

- Để lập luận thuyết phục và chặt chẽ, người lập luận còn phải biết áp dụng các phương pháp lập luận hợp lí. Phương pháp lập luận là cách thức lựa chọn, sắp xếp luận điểm, luận cứ sao cho lập luận chặt chẽ và thuyết phục.

Ví dụ:

Tìm và phân tích các luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn trích ở bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX sau đây :

Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại cũng rất phong phú, đa dạng, biểu hiện ở lòng thương người; lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người; khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người.

Có thể thấy những biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo nói trên quá các tác phẩm văn học Phật giáo thời Lí (“Cáo bệnh, bảo mọi người” của Mãn Giác, “Tỏ lòng” của Không Lộ,…), sáng tác của Nguyễn Trãi (“Đại cáo bình Ngô”, “Tùng”, “Cảnh ngày hè”,…), Nguyễn Bỉnh Khiêm (“Ghét chuột”, “Nhàn”,…), Nguyễn Dữ (“Chuyện người con gái Nam Xương”, “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”,…). Cảm hứng nhân đạo đặc biệt nổi bật ở các tác phẩm thuộc giai đoạn văn học thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX như “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, thơ Hồ Xuân Hương (“Bánh trôi nước”, “Mời trầu”, chùm thơ “Tự tình”), “Truyện Kiều của Nguyễn Du, “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu…

Trả lời:

- Luận điểm: Chủ nghĩa nhân đạo trong văn trung đại phong phú, đa dạng

- Luận cứ:

+ Lí lẽ: Chủ nghĩa nhân đạo biểu hiện ở lòng thương người, lên án, tố cáo thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống con người

+ Khẳng định, đề cao con người về các mặt phẩm chất, tài năng, những khát vọng chân chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, công lí

+ Đề cao quan hệ đạo đức

+ Dẫn chứng: Tác giả liệt kê những tác phẩm cụ thể giàu tính nhân đạo trong văn học trung đại Việt Nam từ thời Lí đến giữa thế kỉ XIX

- Phương pháp lập luận: quy nạp.

(380) 1265 29/07/2022