Lý thuyết về từ ghép, từ láy

Tóm tắt bài Từ ghép, từ láy ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 6 sách KNTTVCS, soạn bài dễ dàng
(394) 1312 26/09/2022

I. Từ ghép

1. Khái niệm

Từ ghép là từ gồm 2 tiếng ghép lại và có quan hệ về mặt ngữ nghĩa.

2. Phân loại

- Từ ghép có hai loại: từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.

+ Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau.

+ Từ ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ).

3. Nghĩa của từ ghép

- Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính.

- Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó.

4. Ví dụ

- Từ ghép chính phụ: 

+ đỏ au: từ “đỏ” là tiếng chính, từ “au” là tiếng phụ bổ trợ cho từ “đỏ”.

+ mưa rào: từ “mưa” là tiếng chính, từ “rào” là tiếng phụ phân loại mưa.

- Từ ghép đẳng lập: sách vở, cha mẹxinh đẹp.

II. Từ láy

1. Khái niệm

Từ láy là loại từ được tạo thành từ hai tiếng trở lên. Các tiếng có cấu tạo giống nhau hoặc tương tự nhau về vần, tiếng đứng trước hoặc tiếng đúng sau. Trong các tiếng đó có một tiếng có nghĩa hoặc tất cả đều không có nghĩa nhưng khi ghép lại thành một từ có nghĩa.

2. Phân loại

- Từ láy có hai loại: từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.

+ Ở từ láy toàn bộ, các tiếng lặp lại nhau hoàn toàn; nhưng cũng có một số trường hợp tiếng đứng trước biến đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối (để tạo ra một sự hài hòa về âm thanh).

+ Ở từ láy bộ phận, giữa các tiếng có sự giống nhau về phụ âm đầu hoặc phần vần.

3. Nghĩa của từ láy

- Nghĩa của từ láy được tạo thành nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng. Trong trường hợp từ láy có tiếng có nghĩa làm gốc (tiếng gốc) thì nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái riêng so với tiếng gốc như sắc thái biểu cảm, sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh.

4. Ví dụ

- Từ láy toàn bộ: xanh xanh, rầm rầm, gâu gâu, oa oa.

- Từ láy bộ phận: líu lo, nhí nhảnh, róc rách, liêu xiêu.

III. So sánh từ ghép và từ láy

     Cấu tạo từ vựng Việt Nam phức tạp và rất khó để nhận biết 2 loại từ này, dưới đây là một vài đặc điểm giúp bạn xác định đâu là từ ghép và từ láy nhanh nhất.

1. Nghĩa của các từ tạo thành

- Đối với từ ghép thì có thể cả 2 từ tạo thành đều có nghĩa cụ thể, còn từ láy thì có thể không từ nào có nghĩa hoặc chỉ đúng 1 từ có nghĩa.

- Ví dụ:

+ Hoa quả là từ ghép và từ “hoa”, “quả” khi đứng riêng đều có nghĩa xác định.

+ Còn từ long lanh thì chỉ “long” có nghĩa, còn “lanh” thì không xác định là nghĩa như thế nào khi đứng riêng.

-> Vì vậy ngoài dấu hiệu giống nhau về âm hoặc vần thì nghĩa của từng từ sẽ quyết định đó là dạng từ nào.

2. Giữa 2 tiếng tạo thành từ

- Nếu không có liên quan về âm hoặc vần thì đó chắc chắn là từ ghép và ngược lại là từ láy. 

- Ví dụ:

+ Cây lá là từ ghép và không có âm hoặc vần giống nhau,

+ Còn chắc chắn thì phụ âm đầu giống nhau nên là từ láy.

3. Đảo vị trí các tiếng trong từ

- Đối với từ ghép khi ta đổi trật từ vị trí các tiếng thì vẫn có ý nghĩa cụ thể, còn từ láy thì không có ý nghĩa nào.

- Ví dụ:

+ Từ “đau đớn” khi đảo vị trí thành “đớn đau” thì có nghĩa nên đó là từ ghép.

+ Từ “rạo rực” đổi lại thành “rực rạo” thì không có nghĩa gì, nên là từ láy.

4. Một trong 2 từ là từ Hán Việt

- Nếu gặp từ có dấu hiệu như trên thì chắc chắn đó không phải là từ láy.

- Ví dụ:

+ Từ “Tử tế” thì “tử” là từ Hán Việt, cho dù nó láy âm đầu nhưng vẫn được xếp vào dạng từ ghép.

5. Lưu ý

- Những từ được Việt hóa như tivi, rada là từ đơn đa âm tiết, nó không được xếp là từ láy hoặc từ ghép.

- Tiếng Việt có vốn từ đa dạng và phong phú, vì vậy trong thời gian ngắn có thể bạn sẽ không thể phân biệt chính xác giữa từ láy và từ ghép. Nhưng khi tiếp túc thường xuyên khi đọc nhiều bài thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn thì trình độ của bạn sẽ được nâng cao nhiều.

(394) 1312 26/09/2022