Bài 1 trang 154 SGK Ngữ văn 8 tập 1
HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 1 trang 154 sách giáo khoa Ngữ văn 8 phần luyện tập soạn bài Thuyết minh về một thể loại văn học.
Đề bài: Hãy thuyết minh đặc điểm chính của truyện ngắn trên cơ sở các truyện ngắn đã học: Tôi đi học, Lão Hạc, Chiếc lá cuối cùng
Trả lời bài 1 trang 154 SGK văn 8 tập 1
Gợi ý cho các bạn một số dàn ý thuyết minh để trả lời cho nội dung câu hỏi bài 1 trang 154 sgk Ngữ văn lớp 8 tập 1 dưới đây:
Dàn ý mẫu 1
1. Mở bài:
- Nêu định nghĩa về truyện ngắn.
2. Thân bài:
- Nêu các đặc điểm chính của truyện ngắn
+ Đặc điểm về dung lượng: số trang viết ít, không dài.
- Đặc điểm về sự kiện, nhân vật: ít nhân vật và sự kiện vì dung lượng truyện ngắn không lớn. Thường chỉ vài nhân vật và sự kiện nhỏ.
- Đặc điểm về cốt truyện:
+ Diễn ra trong một khoảng thời gian và không gian hẹp
+ Không diễn đạt trọn vẹn cuộc đời mà diễn đạt theo từng khoảng thời gian
- Ý nghĩa:
+ Mang ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa xã hội.
3. Kết bài: Nêu cảm nhận của bản thân:
- Về vẻ đẹp, sức hấp dẫn của truyện ngắn
- Phù hợp với cuộc sống lao động khẩn trương hiện nay.
Dàn ý mẫu 2
- Mở bài : truyện ngắn là thể loại truyện …
- Thân bài :
- Về dung lượng : nhỏ
- Về nhân vật : thường khá ít nhân vật.
- Về cốt truyện : thường đơn giản và ngắn gọn
- Về nội dung : đưa ra một ý nghĩa nào đó với cuộc sống.
- Kết bài : Khẳng định vai trò, ý nghĩa của các truyện ngắn.
Dàn ý mẫu 3
Lập dàn bài thuyết minh các đặc điểm về truyện ngắn
1. Mở bài: Nêu được định nghĩa về truyện ngắn
2. Thân bài:
– Đặc điểm của truyện ngắn
- Dung lượng: Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang
- Cốt truyện: truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian . Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định.
- Nội dung: Đề cập tới các vấn đề nhân sinh, thế sự.
– Ý nghĩa:
- Chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc
- Có giá trị nghệ thuật cao.
3. Kết bài: Cảm nhận của bản thân về đặc sắc, sức hấp dẫn của truyện ngắn.
>>> Đọc phần trích sau để tìm thấy những gợi ý cần thiết cho việc lập dàn bài và viết bài.
"Truyện ngắn là hình thức tự sự loại nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ, tập trung mô tả một mảnh của cuộc sống: một biến cố, một hành động, một trạng thái nào đó trong cuộc đời nhân vật, thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội. Do đó truyện ngắn thường ít nhân vật và sự kiện.
Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế. Nó không kể trọn vẹn một quá trình diễn biến một đời người mà chọn lấy những khoảnh khắc, những "lát cắt" của cuộc sống để thể hiện. Kết cấu của truyện ngắn thường là sự sắp đặt những đối chiếu, tương phản để làm bật ra chủ đề. Do đó mà truyện ngắn thường là ngắn.
Truyện ngắn tuy ngắn nhưng có thể đề cập tới những vấn đề lớn của cuộc đời. Tác phẩm của nhiều bậc thầy trong thể loại này đã cho ta biết điều đó."
Bài làm mẫu tham khảo:
Truyện ngắn là một thể loại văn học thuộc hình thức tự sự loại nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ, tập trung mô tả một mảnh cuộc sống, một biến cố, một hành động, một trạng thái nào đó trong cuộc đời nhân vật, thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội. Truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh ghi lại một biến cố quan trọng trong cuộc đời đứa trẻ khi em từ thế giới gia đình bước vào thế giới nhà trường. Trong Chiếc lá cuối cùng của O’ Hen-ri, đó là việc Giôn-xi bị ốm nặng nằm chờ chết; việc cụ Bơ-men lặng lẽ vẽ chiếc lá cuối cùng trong một đêm mưa tuyết dữ dội để cứu sống cô gái, và cụ đã ra đi sau khi hoàn thành kiệt tác ấy. Còn trong Lão Hạc, Nam Cao ghi lại mảnh đời cuối cùng của người nông dân già nghèo khổ, đơn độc, nhưng trước khi tìm về cái chết đã lo lắng thật chu đáo cho đứa con lúc nó trở về. Truyện ngắn thường có ít nhân vật và sự kiện như trong ba truyện ngắn trên.
Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế. Nó không kể trọn vẹn một quá trình diễn biến một đời người mà chọn lấy những khoảnh khắc, những lát cắt của cuộc sống để thể hiện. Tôi đi học chỉ thu lại trong buổi tựu trường đầu tiên trên con đường từ nhà đến trường, trên sân trường, trong lớp học; Lão Hạc chỉ là khoảnh khắc cuối đời của nhân vật từ nhà của lão sang nhà ông giáo; Chiếc lá cuối cùng được kể lại trong những ngày Giôn-xi ốm nằm ở căn phòng nhỏ có chiếc cửa sổ trông ra cây thường xuân.
Kết cấu truyện ngắn thường là sự sắp đặt những đối chiếu, tương phản để làm nổi bật chủ đề, như sự tương phản giữa tình mẹ con và những tình cảm mới mẻ đối với nhà trường, thầy giáo, bạn bè trong tâm trạng đứa trẻ (Tôi đi học); giữa cuộc sống nghèo khổ với cái chết đau đớn với tình yêu thương lo lắng cho đứa con của lão Hạc (Lão Hạc), giữa sự trở về với cuộc sống của Giôn-xi và sự ra đi của cụ Bơ-men, giữa chiếc lá thường xuân đã rụng và chiếc lá cuối cùng vẫn còn mãi mãi trên tường (Chiếc lá cuối cùng).
Những đặc điểm trên đây đã khiến cho dung lượng truyện ngắn thường ngắn. Nhưng không phải vì thế mà truyện ngắn không đề cập tới những vấn đề lớn của cuộc đời như Lão Hạc hay Chiếc lá cuối cùng. Và nếu đọc các tác phẩm của các bậc thầy trong thể loại này, ta càng thấy rõ điều đó.
-/-
Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 1 trang 154 SGK ngữ văn 8 tập 1 được Đọc tài liệu biên soạn chi tiết giúp các em soạn bài Thuyết minh về một thể loại văn học trong chương trình soạn văn 8 tốt hơn trước khi đến lớp.
Chúc các em học tốt !