Ôn tập giữa học kì 1 phần luyện từ và câu

Lý thuyết về ôn tập phần luyện từ và câu môn tiếng việt lớp 5 với nhiều dạng bài cùng phương pháp giải nhanh kèm bài tập vận dụng
(386) 1286 02/08/2022

I. Mở rộng vốn từ

1. Mở rộng vốn từ Tổ quốc

* Một số từ đồng nghĩa với từ Tổ quốc

Quốc gia, giang sơn, quê hương, quê mẹ, quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn, nước nhà, non sông, đất nước,…

* Đặt câu:

- Có đi nhiều nơi mới thấy không đâu tươi đẹp bằng non sông Việt Nam ta.

- Nghệ An là quê mẹ của Long.

* Một số từ có chứa tiếng quốc trong đó quốc có nghĩa là nước

Vệ quốc: Bảo vệ Tổ quốc

Ái quốc: Yêu nước

Quốc gia: Nước nhà

Quốc ca: Bài hát chính thức của một nước dùng trong nghi lễ trọng thể.

Quốc dân: Nhân dân trong một nước.

Quốc hiệu: Tên gọi chính thức của một nước.

Quốc hội: Cơ quan dân cử có quyền lực cao nhất trong một nước

Quốc huy: Huy hiệu tượng trưng cho một nước.

Quốc khánh: Lễ kỉ niệm ngày thành lập nước hoặc ngày có sự kiện trọng đại nhất của một nước.

Quốc kì: Cờ tượng trưng cho một nước.

Quốc ngữ: Tiếng nói chung của một nước.

Quốc phòng: Giữ gìn chủ quyền và an ninh của đất nước.

Quốc vương: Vua của một nước

……

2. Mở rộng vốn từ Nhân dân

* Mở rộng vốn từ Nhân dân

- Công nhân: Thợ điện, thợ cơ khí, thợ may, thợ hàn,…

- Nông dân: Thợ cấy, thợ cày, thợ gặt,…

- Doanh nhân: Tiểu thương, chủ tiệm,…

- Quân nhân: Đại úy, thượng úy, trung sĩ,…

- Trí thức: Bác sĩ, giáo viên, kĩ sư,…

- Học sinh: Học sinh tiểu học, học sinh trung học,…

* Một số câu thành ngữ liên quan

- Chịu thương chịu khó: Cần cù, chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ.

- Dám nghĩa dám làm: Mạnh dạn, táo bạo, có nhiều sáng kiến và dám thực hiện sáng kiến.

- Muôn người như một: Đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động.

- Trọng nghĩa khinh tài: Coi trọng đạo lí và tình cảm, coi nhẹ tiền bạc

- Uống nước nhớ nguồn: Biết ơn những người đã đem lại những điều tốt đẹp cho mình.

* Một số từ có chứa tiếng đồng có nghĩa là cùng

- Đồng hương: Người cùng quê

- Đồng môn: Cùng học một thầy, cùng trường.

- Đồng chí: Người cùng  chí hướng.

- Đồng ca: Cùng hát chung một bài.

- Đồng cảm: Cùng chung cảm xúc, cảm nghĩ.

- Đồng ý: Cùng chung ý kiến đã nêu

- Đồng thanh: Cùng hát, cùng nói.

- Đồng tâm: Đồng lòng.

- Đồng nghiệp: Cùng làm một nghề

- Đồng nghĩa: Cùng một nghĩa.

- Đồng đội: Người cùng chiến đấu.

- Đồng hành: Cùng đi một đường.

…..

3. Mở rộng vốn từ Hòa bình

- Hòa bình là trạng thái không có chiến tranh.

- Những từ đồng nghĩa với từ hòa bình là: Bình yên, thanh bình, thái bình,…

4. Mở rộng vốn từ Hữu nghị - hợp tác

* Hữu nghị

- Một số từ có chứa tiếng hữu có nghĩa là “bạn bè”: hữu nghị, chiến hữu, thân hữu, hữu hảo, bằng hữu, bạn hữu

- Một số từ có chứa tiếng hữu có nghĩa là “có”: hữu hiệu, hữu tình, hữu ích, hữu dụng

* Hợp tác

- Một số từ có chứa tiếng hợp có nghĩa là “gộp lại” (thành lớn hơn): Hợp tác, hợp nhất, hợp lực

- Một số từ có chứa tiếng hợp có nghĩa là “đúng với yêu cầu, đòi hỏi… nào đó”: Hợp tình, phù hợp, hợp thời, hợp lệ, hợp pháp, hợp lí, thích hợp.

* Các thành ngữ, tục ngữ có liên quan đến hữu nghị - hợp tác là:

- Bốn biển một nhà

- Kề vai sát cánh

- Chung lưng đấu sức

5. Mở rộng vốn từ Thiên nhiên

* Thiên nhiên là tất cả những gì không do con người tạo ra

VD: Cánh đồng, con suối, ngọn núi, con sông, cơn mưa, ngọn gió, chim vành khuyên, chim bồ câu, mây, bầu trời, hòn đá,….

* Một số thành ngữ, tục ngữ có xuất hiện các sự vật, hiện tượng thiên nhiên:

- Lên thác xuống ghềnh

- Góp gió thành bão

- Nước chảy đá mòn

- Khoai đất lạ, mạ đất quen

- Mồng đông, vồng tây, mưa dây, bão giật

- Dày sao thì nắng, vắng sao thì mưa

- Nước chảy đá mòn

II. Ngữ pháp

1. Từ đồng nghĩa

Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.

Ví dụ: huyền, mun, đen, mực,….

* Phân loại: 2 loại

-  Từ đồng nghĩa hoàn toàn: Là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, có thể thay thế cho nhau trong lời nói.

Ví dụ: xe lửa với tàu hỏa, con lợn với con heo,…

- Từ đồng nghĩa không hoàn toàn là những từ tuy cùng nghĩa với nhau nhưng vẫn khác nhau phần nào đó về thái độ, tình cảm hoặc cách thức hành động

Ví dụ: chết, hi sinh, toi mạng, ra đi,…

2. Từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.

Ví dụ: xấu – đẹp, hiền lành – ghê gớm, thấp – cao,…

* Tác dụng của việc đặt các từ trái nghĩa cạnh nhau:

Làm nổi bật những sự vật, sự việc, hành động, trạng thái,… đối lập nhau.

VD: Ông nội em thương yêu tất cả các cháu của mình, ông chẳng ghét bỏ một đứa nào cả.

=> Đặt hai từ trái nghĩa thương yêu – ghét bỏ trong một câu có tác dụng càng nhấn mạnh hơn vào tình thương yêu, tình cảm mà ông dành cho các cháu của mình là vô bờ bến.

3. Từ đồng âm

Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm nhưng khác hẳn nhau về nghĩa.

VD: Mẹ em đậu xe lại để em mua một gói xôi đậu.

Đậu thứ nhất trong câu chỉ hành động đỗ xe lại, dừng xe lại.

Đậu thứ hai trong câu chỉ một món ăn, đồ ăn.

=> Hai từ đậu xuất hiện trong câu chính là từ đồng âm vì chúng giống nhau về âm nhưng nghĩa lại khác nhau hoàn toàn.

Dùng từ đồng âm để chơi chữ là dựa vào hiện tượng từ đồng âm, tạo ra những câu nói có nhiều nghĩa, gây những bất ngờ thú vị cho người đọc, người nghe.

VD:

Bà già đi chợ Cầu Đông

Hỏi xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?

Thầy bói xem quẻ nói rằng:

Lợi thì có lợi nhưng răng không còn!

Dùng hai chữ lợi đồng âm để chơi chữ.

Chữ lợi (lợi chăng) nghĩa là tiện lợi, tốt đẹp.

Chữ lợi (lợi thì có lợi) nghĩa là phần thịt bao giữ xung quanh chân răng. Một cách nói chệch đi: Bà già đã rụng hết răng (móm) chỉ còn lợi. Thật là hóm hỉnh và hài hước!

4. Từ nhiều nghĩa

Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau.

Ví dụ:

Chân là từ nhiều nghĩa

- Nghĩa gốc: Chỉ một bộ phận của con người hoặc động vật

Ông em bị đau chân, đi lại rất khó khăn

- Nghĩa chuyển: Chỉ những vật tiếp xúc gần nhất với mặt đất

+Dưới chân bàn có hai chiếc hộp nhỏ.

+Em nhìn thấy ánh sáng ló rạng nơi chân trời xa kia.

5. Đại từ

Đại từ là từ dùng để xưng hô hay để thay thế danh từ, động từ, tính từ (hoặc cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ) trong câu cho khỏi lặp lại các từ ngữ ấy.

Ví dụ:

- Tớ nghĩ để mẹ không buồn vì cậu nữa, cậu nên chăm chỉ học hành.

-> Đại từ xưng hô

- Cô ấy thích hoa cẩm chướng và tôi cũng thế

-> Đại từ thế, thay thế cho cụm từ phía trước “thích hoa cẩm chướng” để  tránh việc lặp từ trong một câu

(386) 1286 02/08/2022