Chất

Lý thuyết về khái niệm về vật thể và chất khoa học tự nhiên lớp 6 với nhiều dạng bài cùng phương pháp giải nhanh kèm bài tập vận dụng
(377) 1255 31/07/2022

1. VẬT THỂ, CHẤT

- Vật thể: Là toàn bộ những gì xung quanh chúng ta và trong không gian.

- Vật thể gồm 2 loại: Vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo.

+ Vật thể tự nhiên: cây, núi, sông, đá,…

+ Vật thể nhân tạo: bàn ghế, sách vở, đèn điện,…

- Chất: là nguyên liệu cấu tạo nên vật thể. Chất có ở khắp mọi nơi, ở đâu có vật thể là ở đó có chất.

2. TÍNH CHẤT CỦA CHẤT

- Mỗi chất có những tính chất nhất định, bao gồm tính chất vật lý và tính chất hoá học.

+ Tính chất vật lý: Trạng thái (rắn, lỏng, khí), màu sắc, mùi vị, tính tan, tính dẫn điện, dẫn nhiệt, nhiệt độ sôi (tos), nhiệt độ nóng chảy (tonc), khối lượng riêng (d).

+ Tính chất hoá học: Là khả năng bị biến đổi thành chất khác: Khả năng cháy, nổ, tác dụng với chất khác.

-  Hiểu các tính chất của chất, chúng ta có thể:

+ Phân biệt chất này với chất khác

Ví dụ: Cồn cháy còn nước không cháy; Đồng là kim loại màu đỏ còn nhôm là kim loại có màu trắng xám.

+ Biết sử dụng chất an toàn

Ví dụ: H2SO4 đặc nguy hiểm, gây bỏng nên cần cẩn thận khi sử dụng

+ Biết ứng dụng chất thích hợp vào trong đời sống và sản xuất

Ví dụ: Cao su không thấm nước, đàn hồi nên dùng để chế tạo săm, lốp xe…

3. HỖN HỢP VÀ CHẤT TINH KHIẾT

a) Hỗn hợp

- Hỗn hợp là 2 hay nhiều chất trộn lại với nhau. Mỗi chất trong hỗn hợp được gọi là 1 chất thành phần.

- Hỗn hợp gồm có 2 loại (phần mở rộng):

+ Hỗn hợp đồng nhất: là hỗn hợp không xuất hiện ranh giới phân cách giữa các chất thành phần.

Ví dụ: Hỗn hợp nước và rượu; nước khoáng, nước muối, nước đường

+ Hỗn hợp không đồng nhất: là hỗn hợp có xuất hiện ranh giới phân cách giữa các chất thành phần.

Ví dụ: Hỗn hợp dầu ăn và nước.

- Tính chất của hỗn hợp: Hỗn hợp có tính chất không ổn định, thay đổi phụ thuộc vào khối lượng và số lượng chất thành phần.

b) Chất tinh khiết

- là chất không có lẫn chất nào khác. Chất tinh khiết có tính chất nhất định, không thay đổi.

Ví dụ: Nước cất

4. TÁCH CHẤT RA KHỎI DUNG DỊCH

- Dựa vào sự khác nhau về tính chất vật lí có thể tách một chất ra khỏi hỗn hợp

Ví dụ: Tách muối ra khỏi hỗn hợp muối + nước, ta đun sôi hỗn hợp, nước bốc hơi đi, còn lại chất rắn màu trắng là muối.

(377) 1255 31/07/2022