Tập làm văn: Nói về tri thức. Nghe kể: Nâng niu từng hạt giống
1. Quan sát các tranh dưới đây và cho biết những người tri thức trong các bức tranh ấy là ai, họ đang làm việc gì :
a) Người trong bức tranh đầu tiên là bác sĩ đang khám bệnh cho cậu bé, bác sĩ đang đo nhiệt kế cho cậu ấy.
b) Người trong bức tranh thứ hai là kĩ sư cầu đường. Họ đang đứng trước mô hình chiếc cầu sắp sửa được hoàn thiện. Họ đang bàn bạc với nhau để thiết kế sao cho tiện lợi, hợp lí và tạo được vẻ đẹp cho thành phố.
c) Người trong bức tranh thứ ba là cô giáo. Cô đang giảng bài tập đọc cho các bạn học sinh. Nhìn cô ân cần, dịu dàng, các bạn học sinh ngoan ngoãn, chăm chú nghe giảng.
d) Người trong bức tranh thứ tư là những người trong phòng thí nghiệm. Họ đang làm việc rất hăng say với những vật thí nghiệm.
2. Nghe và kể lại câu chuyện Nâng niu từng hạt giống.
Nâng niu từng hạt giống
Lương Định Của là một nhà khoa học lớn, ông đã lai tạo được nhiều giống lúa mới cho nước ta.
Một lần, người bạn của ông ở nước ngoài gửi về Viện nghiên cứu của ông mười hạt giống. Giữa lúc trời rét đậm mà phòng thí nghiệm lại không đủ tiện nghi, sợ những hạt giống sẽ chết vì rét, ông đem mười hạt giống chia làm hai phần, mỗi phần năm hạt. Ông gieo trong phòng thí nghiệm năm hạt, còn năm hạt còn lại ông ngâm vào nước ấm, gói vào khăn. Mỗi tối, ông đem ủ trong người, trùm chăn ngủ để hơi ấm làm cho thóc nảy mầm.
Kết quả như ông dự đoán, năm hạt giống gieo trong phòng thí nghiệm đã nảy mầm rồi chết vì rét. Chỉ có năm hạt thóc của ông Lương Định Của ủ ấm trong người là giữ được mầm xanh, chúng sinh sôi nảy nở rồi trở thành triệu hạt thóc ngoài cánh đồng.
Gợi ý :
a) Viện nghiên cứu nhận được quà gì ?
Đó là mười hạt lúa được gửi từ nước ngoài về.
b) Vì sao ông Lương Định Của không đem gieo ngay mười hạt giống ?
Vì lúc đó trời rét đậm mà phòng thí nghiệm lại không đủ tiện nghi, ông sợ những hạt giống sẽ chết vì rét.
c) Ông đã làm gì để bảo vệ giống lúa ?
Ông đem mười hạt giống chia làm hai phần, mỗi phần năm hạt. Ông gieo trong phòng thí nghiệm năm hạt, còn năm hạt còn lại ông ngâm vào nước ấm, gói vào khăn. Mỗi tối, ông đem ủ trong người, trùm chăn ngủ để hơi ấm làm cho thóc nảy mầm.