Dung dịch

Lý thuyết về dung dịch khoa học tự nhiên lớp 6 với nhiều dạng bài cùng phương pháp giải nhanh kèm bài tập vận dụng sách CTST
(392) 1306 26/09/2022

I. Dung dịch – Dung môi – Chất tan

- Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của chất tan và dung môi.

- Chất tan là chất rắn được hòa tan vào dung môi. Chất tan có thể là chất rắn, chất lỏng hoặc chất khí.

- Dung môi là chất dùng để hòa tan chất tan. Dung môi thường là chất lỏng.

Ví dụ:

Khi hòa tan đường vào nước: Đường (chất rắn) tan trong nước (chất lỏng) để tạo thành nước đường (hỗn hợp đồng nhất) ⇒ Đường là chất tan, nước là dung môi và nước đường là dung dịch.

Thông thường, khi dung môi và chất tan đều là chất lỏng, thì dung môi là chất có thể tích lớn hơn.

Tuy nhiên, có trường hợp, chất vừa là chất tan, vừa là dung môi.

Ví dụ: 

Khi hòa tan 100 ml rượu etylic vào 50 ml nước thì: cả hai chất nước và rượu etylic vừa là chất tan, vừa là dung môi.

Vì rượu etylic tan vô hạn trong nước, cũng như nước có thể tan vô hạn trong rượu etylic.

 

Dung môi quan trọng và phổ biến nhất là nước.

Dung môi là những chất hữu cơ như xăng, cồn, dầu ăn,… gọi là dung môi hữu cơ.

Có những chất tan trong dung môi này như không tan trong dung môi khác.

- Khi nói dung dịch phải nói rõ là dung môi nào.

- Nếu dung dịch không ghi rõ dung môi thì được hiểu dung môi là nước, cũng có khi nhấn mạnh là dung dịch nước.

II. Phân biệt dung dịch, huyền phù, nhũ tương

Hỗn hợp phân tán vào nhau, ngoài huyền phù và nhũ tương, trong thực tế còn gặp các dạng:

- Bọt là hỗn hợp không đồng nhất gồm chất khí phân tán trong môi trường chất lỏng.

Ví dụ: khi rót bia hoặc nước giải khát có gas tạo ra bọt.

- Sương là hỗn hợp không đồng nhất gồm các giọt nhỏ chất lỏng phân tán trong môi trường chất khí.

Ví dụ: sương mù.

- Bụi là hỗn hợp không đồng nhất gồm các hạt nhỏ chất rắn phân tán trong môi trường chất khí.

Ví dụ: bụi phấn, bụi công trường xây dựng.

III. Chất rắn hòa tan và không hòa tan trong nước

- Một số chất rắn hòa tan được trong nước và một số chất không hòa tan được trong nước.

Ví dụ:

+ Đường ăn (saccharose), muối ăn,… là chất rắn hòa tan được trong nước.

+ Sắt, calcium carbonate,… là chất rắn không hòa tan được trong nước.

- Khả năng hòa tan trong nước của các chất là khác nhau.

IV. Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng chất rắn hòa tan trong nước

Nhiệt độ, tỉ lệ chất rắndung môi (nước) là các yếu tố ảnh hướng đến lượng chất rắn hòa tan trong nước.

Ví dụ: khi tăng nhiệt độ hoặc thể tích nước, lượng đường ăn tan trong nước càng nhiều.

Để các chất rắn dễ hòa tan hoặc tan nhanh hơn trong nước, có thể thực hiện hai hoặc cả ba biện pháp sau:

- Khuấy dung dịch.

- Đun nóng dung dịch.

- Nghiền nhỏ chất rắn.

V. Chất khí tan trong nước

- Một số chất khí có thể tan trong nước.

- Khả năng tan trong nước của các chất khí là khác nhau.

Ví dụ: Hòa tan một số khí vào nước:

+ Khí hydrogen chloride, ammnonia tan tốt trong nước.

+ Khí carbon dioxide, khí oxygen tan ít trong nước.

+ Khí hydrogen, nitrogen gần như không tan trong nước.

(392) 1306 26/09/2022