Các dạng bài tập viết phương trình đường thẳng trong không gian – Nguyễn Thị Thu
Tài liệu gồm 19 trang hướng dẫn giải các dạng toán viết phương trình đường thẳng trong không gian.
Trong chương trình Hình học 12, bài toán viết phương trình đường thẳng trong không gian là bài toán hay và không quá khó. Để làm tốt bài toán này đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức hình học không gian, mối quan hệ giữa đường thẳng, mặt phẳng và mặt cầu. Là dạng toán chiếm tỷ lệ nhiều trong các đề thi tốt nghiệp THPT và thi vào Cao đẳng, Đại học nên yêu cầu học sinh phải làm tốt được dạng toán này là hết sức cần thiết.
Trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy các em còn lúng túng nhiều trong quá trình giải các bài toán về viết phương trình đường thẳng. Nhằm giúp các em giảm bớt khó khăn khi gặp dạng toán này tôi đã mạnh dạn đưa ra chuyên đề : “Phân loại các dạng bài tập viết về phương trình đường thẳng trong không gian”. Trong chuyên đề, tôi đã đưa ra phân loại bài tập viết phương trình đường thẳng từ dễ đến khó để học sinh tiếp cận một cách đơn giản, dễ nhớ và từng bước giúp học sinh hình thành tư duy tự học, tự giải quyết vấn đề. Ngoài ra, giúp cho các em làm tốt các bài thi tốt nghiệp cũng như thi vào các trường Cao đẳng và Đại học.
Chuyên đề gồm 3 phần:
+ Phần I: Phương pháp chung để giải toán
+ Phần II: Một số dạng toán thường gặp
+ Phần III: Bài tập tự luận tự luyện
+ Phần IV: Bài tập trắc nghiệm tự luyện
[ads]
Các dạng toán viết phương trình đường thẳng trong không gian:
+ Dạng 1: Viết phương trình tham số và phương trình chính tắc của đường thẳng d biết d đi qua điểm M (x0; y0; z0) và có vectơ chỉ phương u = (a; b; c).
+ Dạng 2: Viết phương trình tham số của đường thẳng d biết d đi qua hai điểm A, B cho trước.
+ Dạng 3: Viết phương trình đường thẳng d đi qua điểm M và vuông góc với mặt phẳng (α).
+ Dạng 4: Viết phương trình đường thẳng d đi qua điểm M và song song với đường thẳng d’.
+ Dạng 5: Đường thẳng d đi qua điểm M và song song với 2 mặt phẳng cắt nhau (P) và (Q).
+ Dạng 6: Viết phương trình đường thẳng d đi qua điểm M, song song với mặt phẳng (P) và vuông góc với đường thẳng d’ (d’ không vuông góc với (P)).
+ Dạng 7 : Viết phương trình đường thẳng d đi qua điểm M và vuông góc với hai đường thẳng d1 và d2 (d1 và d2 là hai đường thẳng chéo nhau).
+ Dạng 8: Viết phương trình đường thẳng d đi qua điểm M đồng thời cắt cả hai đường thẳng d1 và d2.
+ Dạng 9: Viết phương trình đường thẳng d đi qua điểm A, vuông góc với đường thẳng d1 và cắt đường thẳng d2.
+ Dạng 10: Viết phương trình đường thẳng d đi qua điểm A, vuông góc với đường thẳng d1 và cắt đường thẳng d1.
+ Dạng 11: Viết phương trình đường thẳng d nằm trong mp(P) đồng thời cắt cả hai đường thẳng d1 và d2.
+ Dạng 12: Viết phương trình đường thẳng d song song với d’ đồng thời cắt cả hai đường thẳng d1 và d2.
+ Dạng 13: Viết phương trình đường thẳng d song song và cách đều hai đường thẳng song song d1 và d2 đồng thời d nằm trong mặt phẳng chứa d1 và d2.
+ Dạng 14: Viết phương trình đường thẳng d là đường vuông góc chung của hai đường thẳng d1 và d2 chéo nhau.
+ Dạng 15 : Viết phương trình tham số của đường thẳng d là hình chiếu của d’ trên mặt phẳng (P).