Bài 9: Con người là chủ thể của lịch sử, là mục tiêu phát triển của xã hội
1. Con người là chủ thể của lịch sử
a. Con người tự sáng tạo ra lịch sử của mình
Con người chế tạo ra công cụ lao động, nhờ đó không còn hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên, tách ra khỏi thế giới loài vật, chuyển sang thế giới loài người, bắt đầu lịch xử của xã hội.
b. Con người là chủ thể sáng tạo nên các giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội
- Để tồn tại và phát triển con người phải lao động, tạo ra của cải vật chất để nuôi sống xã hội.
- Sản xuất ra của cải vật chất là đặc trưng riêng chỉ có ở con người: là quá trình lao động sáng tạo có mục đích, đảm bảo sự tồn tại của xã hội và thúc đẩy trình độ phát triển của xã hội.
- Con người sáng tạo ra các giá trị tinh thần của xã hội: Đời sống của con người là nguồn đề tài vô tận cho các phát minh khoa học và cảm hứng sáng tạo của văn học nghệ thuật. Con người chính là tác giả của các công trình khoa học, tác phẩm văn học, nghệ thuật.
c. Con người là động lực của các cuộc cách mạng xã hội
- Nhu cầu về một cuộc sống tốt đẹp hơn là động lực thúc đẩy con người không ngừng đấu tranh để cải tạo xã hội.
- Biểu hiện cụ thể là các cuộc đấu tranh giai cấp, mà đỉnh cao là các cuộc cách mạng xã hội.
= Lịch sử phát triển của xã hội khác với lịch sử phát triển của tự nhiên: Là lịch sử của con người hoạt động theo mục đích của mình.
2. Con người là mục tiêu của sự phát triển xã hội
a. Vì sao nói con người là mục tiêu của sự phát triển xã hội?
Con người là chủ thể của lịch sử nên con người cần phải được tôn trọng, cần phải được đảm bảo các quyền chính đáng cho mình, phải là mục tiêu phát triển của xã hội.
b. Chủ nghĩa xã hội với sự phát triển toàn diện của con người
- Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, tương lai sẽ thuộc về một xã hội tốt đẹp hơn: một xã hội không có áp bức, bóc lột, thống nhất giữa văn minh với nhân đạo, mọi người có cuộc sống tự do, hạnh phúc. Xã hội ấy chỉ có thể là xã hội xã hội chủ nghĩa.
- Xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân là mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội.
- Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng con người, coi con người là mục tiêu phát triển của xã hội nên mọi chính sách đều vì sự phát triển toàn diện của con người, nhằm xây dựng đất nước theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.