Bài 11: Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học
1. Nghĩa vụ
a. Nghĩa vụ là gì?
- Nghĩa vụ là sự phản ánh những mối quan hệ đạo đức, đặc biệt, giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với xã hội. Nghĩa vụ là một trong những nét đặc trưng của đời sống con người, khác với con vật chỉ quan hệ với nhau trên cơ sở bản năng.
- Nghĩa vụ là trách nhiệm của cá nhân đối với yêu cầu, lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.
- Trong trường hợp cần thiết, cá nhân phải biết đặt nhu cầu, lợi ích của xã hội lên trên. Không những thế, còn phải biết hi sinh quyền lợi của mình vì quyền lợi chung. Tuy nhiên, xã hội cũng phải có trách nhiệm bảo đảm cho sự thỏa mãn nhu cầu và lợi ích chính đáng của các cá nhân, bởi vì suy cho cùng, xã hội chỉ có thể phát triển lành mạnh trên cơ sở đảm bảo được những nhu cầu và lợi ích của mỗi cá nhân.
b. Nghĩa vụ của người thanh niên Việt Nam hiện nay (đọc thêm)
2. Lương tâm
a. Lương tâm là gì?
- Lương tâm là năng lực tự đánh giá và điều chỉnh hành vi đạo đức của bản thân trong mối quan hệ với người khác và xã hội
- Lương tâm tồn tại ở hai trạng thái đó là: lương tâm thanh thản và lương tâm cắn rứt. lương tâm dù ở trạng thái nào cũng có ý nghĩa tích cực đối với cá nhân. Một cá nhân thường làm điều ác nhưng lại không biết ăn năn, hối hận hay xấu hổ, không cắn rứt lương tâm thì bị coi là kẻ vô lương tâm.
b. Làm thế nào để trở thành người có lương tâm?
- Thường xuyên rèn luyện tư tưởng, đạo đức theo quan điểm tiến bộ, cách mạng và tự giác thực hiện các hành vi đạo đức hàng ngày để biến ý thức đạo đức thành thói quen đạo đức.
- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bản thân một cách tự nguyện, phấn đấu trở thành một công dân tốt, người có ích cho xã hội.
- Bồi dưỡng những tình cảm trong sáng đẹp đẽ trong quan hệ giữa người với người, hướng nhận thức đến sự cao thượng, không chỉ biết yêu thương con người mà còn biết sống vì người khác.
3. Nhân phẩm và danh dự
a. Nhân phẩm
- Nhân phẩm là toàn bộ những phẩm chất mà mỗi con người có được. Nói cách khác, nhân phẩm là giá trị làm người của mỗi con người.
- Người có nhân phẩm là người được xã hội đánh giá cao và được kính trọng; là người có lương tâm, có nhu cầu vật chất và tinh thần lành mạnh, luôn thực hiện tốt các nghĩa vụ đạo đức đối với xã hội và người khác, biết tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực đạo đức tiến bộ.
b. Danh dự
- Danh dự là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó.
- Như vậy, danh dự là nhân phẩm đã được đánh giá và công nhận.
- Mỗi người cần luôn giữ gìn và bảo vệ danh dự của mình, tôn trọng danh dự của người khác, tạo động lực để cá nhân điều chỉnh hành vi, làm điều tốt, tránh làm điều xấu.
- Các nhân biết tôn trọng và bảo vệ danh dự của mình được coi là có lòng tự trọng: biết làm chủ các nhu cầu bản thân, đồng thời quý trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
- Tự trọng khác với tự ái. Khi tự ái, con người hay có những phản ứng thiếu sáng suốt, dễ rơi vào sai lầm.
4. Hạnh phúc
a. Hạnh phúc là gì?
- Hạnh phúc là cảm xúc vui sướng, hài lòng của con người trong cuộc sống khi được đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu chân chính, lành mạnh về vật chất và tinh thần.
- Nói đến hạnh phúc là nói đến sự đáp ứng ở những mức độ nhất định những nhu cầu về vật chất và tình thần của cuộc sống con người. Tuy nhiên, thỏa mãn nhu cầu đến mức độ nào còn tùy thuộc vào từng con người cụ thể, vào trình độ phát triển của xã hội cụ thể.
b. Hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội (đọc thêm)
- Khi nói đến hạnh phúc trước hết là nói đến hạnh phúc cá nhân. Hạnh phúc cá nhân không tách rời hạnh phúc xã hội.
- Hạnh phúc từng cá nhân là cơ sở của hạnh phúc xã hội. Khi xã hội hạnh phúc thì các cá nhân có đầy đủ điều kiện để phấn đấu cho hạnh phúc của mình.