Bài 6: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
1. Khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tính tất yếu khách quan và tác dụng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
a. Khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa
- Công nghiệp hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động dựa trên sự phát triển của công nghiệp cơ khí.
- Hiện đại hóa là quá trình ứng dụng và trang bị những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lí kinh tế - xã hội.
- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động kinh tế và quản lí kinh tế - xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
b. Tính tất yếu khách quan và tác dụng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
- Tính tất yếu khách quan của công nghiệp hóa, hiện đại hóa
+ Do yêu cầu phải xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
+ Do yêu cầu phải rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế, kỹ thuật - công nghệ giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới.
+ Do yêu cầu phải tạo ra năng suất lao động xã hội cao, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội.
- Tác dụng to lớn và toàn diện của công nghiệp hóa, hiện đại hóa
+ Tạo tiền đề phát triển lực lượng sản xuất và tăng năng suất lao động xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân.
+ Tạo ra lực lượng sản xuất mới, tạo tiền đề cho việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối quan hệ liên minh giữa công nhân - nông dân - trí thức.
+ Tạo tiền đề hình thành và phát triển nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa – nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
+ Tạo cơ sở vật chất – kĩ thuật cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh.
2. Nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở đất nước
a. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất
- Thực hiện cơ khí hóa nền sản xuất xã hội.
- Áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào các ngành của nền kinh tế quốc dân.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
b. Xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại và hiệu quả
- Cơ cấu kinh tế là tổng thể hữu cơ giữa cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế, trong đó cơ cấu ngành kinh tế là quan trọng nhất vì nó là cốt lõi của cơ cấu kinh tế.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự chuyển đổi từ cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả và bất hợp lí, sang một cơ cấu kinh tế hợp lí, hiện đại và hiệu quả.
- Xu hướng là chuyển dịch từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp lên cơ cấu kinh tế nông, công nghiệp và phát triển lên thành cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp và dịch vụ hiện đại.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với phát triển tri thức.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế tri thức là tiền đề chi phối xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng thời kì ở nước ta.
3. Trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
- Nhận thức đúng đắn về tính tất yếu khách quan và tác dụng to lớn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Lựa chọn ngành, mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
- Tiếp thu và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất.
- Học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nguồn lao động có kĩ thuật cho nền kinh tế.