Cơ thể sinh vật
I. Cơ thể sinh vật
- Cơ thể chỉ một cá thể sinh vật có khả năng thực hiện các quá trình sống cơ bản: cảm ứng, dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản..
- Sự khác biệt rất lớn về kích thước cơ thể của các loài sinh vật là do số lượng tế bào cấu tạo nên sinh vật đó nhiều hay ít.
II. Cơ thể đơn bào
- Cơ thể đơn bào là cơ thể đuợc cấu tạo từ 1 tế bào. Tế bào đó thực hiện được chức năng của một cơ thể sống.
- Tế bào này có thể là sinh vật nhân sơ (vi khuẩn) hoặc sinh vật nhân thực (trùng roi).
- Đại diện : trùng roi, trùng giày, trùng biến hình, tảo lục, tảo silic, vi khuẩn Escherchia coli (E.coli), vi khuẩn lao,…
- Kích thước tế bào thường nhỏ bé, hầu hết chỉ quan sát được bằng kính hiển vi quang học, một số cơ thể có kích thước lớn có thể quan sát bằng mắt thường (ví dụ như tảo đơn bào)
Tảo bong bóng Valonia ventricosa, một trong những sinh vật đơn bào to nhất với đường kính hơn 1 cm
Một số sinh vật nguyên sinh có cơ thể đơn bào
Cơ thể đơn bào vi khuẩn E.coli có kích thước hiển vi
- Một số sinh vật đơn bào có thể hợp tác với nhau để phát triển thành tập đoàn.
Trùng roi sống thành tập đoàn tạo thành tập đoàn Volvox
III. Cơ thể đa bào
- Cơ thể đa bào (sinh vật đa bào): được cấu tạo từ nhiều tế bào, các tế bào khác nhau thực hiện các chức năng khác nhau trong cơ thể.
- Cơ thể thực vật được cấu tạo từ các loại tế bào : tế bào biểu bì, tế bào mạch dẫn, tế bào lông hút,…
- Cơ thể động vật được cấu tạo từ các loại tế bào : tế bào cơ, tế bào thần kinh, tế bào biểu bì,…
IV. So sánh cơ thể đơn bào và cơ thể đa bào
- Giống nhau: đều là cơ thể sống và có khả năng thực hiện các quá trình sống cơ bản: cảm ứng, dinh dưỡng, sinh trưởng và sinh sản...
- Khác nhau:
|
Cơ thể đơn bào | Cơ thể đa bào |
Số lượng tế bào | 1 tế bào | Từ 2 tế bào |
Số loại tế bào | Đơn bào | Đa bào |
Cấu tạo từ | Có thể là tế bào nhân sơ hoặc tế bào nhân thực | Tế bào nhân thực |