Bài 2: Thực hiện pháp luật
1. Khái niệm, các hình thức và các giai đoạn thực hiện pháp luật
a. Khái niệm thực hiện pháp luật
- Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành hành vi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
- Pháp luật đi vào đời sống nếu khi tham gia vào các quan hệ xã hội cụ thể, trong các hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, cá nhân lựa chọn các xử sự phù hợp với quy định của pháp luật.
b. Các hình thức thực hiện pháp luật
- Sử dụng pháp luật:
+ Cá nhân, tổ chức.
+ Làm những gì pháp luật cho phép.
+ Có thể làm hoặc không, không bị ép buộc.
+ Ví dụ: Công dân tự do lựa chọn ngành nghề để kinh doanh.
- Thi hành pháp luật:
+ Cá nhân, tổ chức.
+ Làm những gì mà pháp luật quy định phải làm.
+ Phải làm, nếu không làm sẽ bị xử lí theo quy định.
+ Ví dụ: Kinh doanh thì phải nộp thuế.
- Tuân thủ pháp luật:
+ Cá nhân, tổ chức.
+ Không làm những điều mà pháp luật cấm.
+ Không được làm, nếu làm sẽ bị xử lí theo quy định.
+ Ví dụ: Không được kinh doanh những mặt hàng bị cấm.
- Áp dụng pháp luật:
+ Cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền.
+ Căn cứ vào thẩm quyền và quy định của pháp luật để ra quyết định.
+ Bắt buộc theo các thủ tục, trình tự chặt chẽ do pháp luật quy định.
+ Cảnh sát giao thông xử phạt người vi phạm theo đúng quy định.
2. Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí.
a. Vi phạm pháp luật
- Là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do người có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
- Các dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật:
+ Thứ nhất, là hành vi trái pháp luật: Là hành động (làm những việc không được làm) hoặc không hành động (không làm những việc pháp luật yêu cầu phải làm), xâm phạm, gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
+ Thứ hai, do người có năng lực trách nhiệm pháp lí thực hiện: Đạt một độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật, có thể nhận thức và điều khiển được hành vi của mình, tự quyết định cách xử sự của mình.
+ Thứ ba, người vi phạm pháp luật phải có lỗi: biết hành vi của mình là sai, trái pháp luật, có thể gây hậu quả không tốt nhưng vẫn cố ý làm hoặc vô tình để mặc cho sự việc xảy ra.
b. Trách nhiệm pháp lí
- Là nghĩa vụ mà các cá nhân hoặc tổ chức phải gánh chịu hậu quả bất lợi từ hành vi vi phạm pháp luật của mình.
- Mục đích:
+ Buộc các chủ thể vi phạm pháp luật chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật.
+ Buộc họ phải chịu những thiệt hại, hạn chế nhất định.
+ Buộc họ phải làm những công việc nhất định để trừng phạt, khắc phục hậu quả.
+ Ngăn chặn họ tiếp tục vi phạm pháp luật.
+ Giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, răn đe, củng cố niềm tin, khuyến khích mọi người tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật.
c. Các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí
Căn cứ để phân chia: Đối tượng bị xâm phạm, mức độ, tính chất nguy hiểm do hành vi vi phạm gây ra cho xã hội.
- Vi phạm hình sự:
+ Là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị coi là tội phạm, được quy định tại Bộ luật Hình sự.
+ Phải chịu trách nhiệm hình sự: Người đó phải chấp hành hình phạt theo quyết định của tòa án.
+ Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiệm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
+ Việc xử lí người chưa thành niên (từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi) phạm tội lấy nguyên tắc giáo dục là chủ yếu.
- Vi phạm hành chính:
+ Là hành vi xâm phạm các quy tắc quản lí nhà nước.
+ Người vi phạm phải chịu trách nhiệm hành chính.
+ Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.
+ Từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.
- Vi phạm dân sự
+ Là hành vi trái pháp luật xâm phạm tới các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.
+ Người vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự, chịu các biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của các quyền dân sự bị vi phạm.
+ Từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tham gia vào các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
- Vi phạm kỉ luật
+ Là hành vi xâm phạm các quan hệ lao động công vụ nhà nước... do pháp luật lao động và pháp luật hành chính bảo vệ.
+ Người vi phạm phải chịu trách nhiệm kỉ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, chuyển công tác khác, buộc thôi việc,...